(Tin Môi Trường) - Phát triển thủy điện là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương đã phát triển thủy điện với mật độ dày đặc, xảy ra tình trạng phá rừng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống nhân dân... Những dấu ấn bất hòa giữa con người với thiên nhiên càng đậm thì bài học nhân quả càng sâu
Đến ngày 19-10, tuyến Tỉnh lộ 71 nối huyện Phong Điền lên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn tắc bởi nhiều điểm sạt lở. Vì vậy, công tác tìm kiếm 15 công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Những cái chết tức tưởi
Những ngày qua, địa danh Rào Trăng càng được mọi người biết đến, trong sự xót xa, đau thương khi nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4 đã ra đi trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn bị đất núi sạt lở vùi lấp. Cũng tại đây, nhiều người làm công vì miếng cơm manh áo đã đến làm việc ở công trình xây dựng thủy điện giờ đang mất tích, người thân đang mòn mỏi đợi chờ họ trở về trong tuyệt vọng.
Theo cơ quan chức năng, mưa lớn sạt lở tại Km13 gây tắc đường, 1 tảng đá lớn nặng khoảng hơn 20 tấn rơi án ngữ tại Km18; có 3 ngầm tràn lớn, trong đó 1 ngầm tràn ngập 1,2 m, có 2 đoạn trôi luôn cả đường.
Sạt lở ở Rào Trăng 3 khiến nhiều người mất tích
Còn tại Rào Trăng 3, nửa quả đồi sạt xuống nhà điều hành công trình với khối lượng đất đá ước tính đến 2 triệu m3. Lớp đất đá này được phân làm 3 tầng với bề dày mỗi tầng 3-4 m nên phải cần phương tiện cơ giới mới đào bới được.
Theo người dân địa phương, Tỉnh lộ 71 xưa kia chỉ là một lối mòn nhỏ thuộc địa phận của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ và các xã quản lý. Con đường nhỏ ấy đủ để cho các cán bộ lâm nghiệp, bảo tồn, người dân ngày ngày vào ra để bảo vệ rừng, mưu sinh.
Kể từ năm 2015 tuyến này đã được cơ giới hóa khoét núi mở đường bảo đảm cho 2 làn xe lên xuống. Đồng nghĩa với đó là nhiều cây xanh của rừng bị chặt hạ.
Nằm dọc theo Tỉnh lộ 71, 4 thủy điện đã và đang xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động theo quy hoạch thủy điện năm 2008 của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, từ thượng nguồn ở huyện A Lưới là thủy điện Alin B1 với công suất 42 MW. Nước từ thủy điện này sẽ đổ về suối Rào Trăng cung cấp cho thủy điện Alin B2 (20 MW) ở địa bàn xã Phong Xuân và Phong Mỹ (Phong Điền). Ở hạ lưu, lần lượt là Rào Trăng 3 (13 MW) và Rào Trăng 4 (14 MW).
Để xây dựng 4 thủy điện liên tiếp nhau dọc theo Tỉnh lộ 71, nhiều diện tích đất rừng đã phải chuyển đổi.
Bao nhiêu ha rừng phòng hộ đã mất?
Liên quan đến việc quy hoạch, số diện tích rừng bị ảnh hưởng do xây dựng các thủy điện này, ngày 20-10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định sẽ cung cấp thông tin cho dư luận sau khi có phản hồi số liệu từ cơ quan chức năng. Còn theo các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 tại huyện Phong Điền mà chúng tôi có được, thì đất rừng phòng hộ giảm 31 ha, rừng sản xuất giảm 831 ha, rừng đặc dụng giảm 6,27 ha so với năm 2015.
Riêng đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 thực hiện lại đánh giá tác động môi trường sau khi dự án này được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh công suất từ 11 MWh lên 13 MWh vào năm 2018, công trình này đang xây dựng đạt 70% khối lượng, chưa hoạt động thì xảy ra sự cố sạt lở.
Theo quy hoạch, Rào Trăng 3 có tổng diện tích đất lòng hồ ứng với mực nước dâng bình thường là 22,28 ha, nằm ở Tiểu khu 70, 71 và 72 của khu bảo tồn. Vào ngày 10-5-2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định thu hồi 22 ha đất tọa lạc ở xã Phong Xuân (đợt 2) để đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng lòng hồ. Trong đó, đất kênh rạch, sông ngòi, suối do UBND xã Phong Xuân quản lý là 1,2 ha; hơn 21 ha đất rừng sản xuất do Bản Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền quản lý.
Cũng trong năm đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có quyết định cho Rào Trăng 3 thuê gần 24 ha ở xã Phong Xuân trong vòng 32 năm để xây dựng khu nhà máy, đường dây điện, khu đấu nối, đường vận hành...
Đối với Rào Trăng 4 nằm ở Tiểu khu 68 và 72, diện tích ảnh hưởng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền là 56,36 ha, tổng diện tích lòng hồ ứng với mực nước dâng bình thường gần 135 ha.
Trong bài viết "Khu bảo tồn "ôm" 4 thủy điện", trên số báo ra ngày 22-6-2017, Báo Người Lao Động đã cảnh báo nguy cơ tác động xấu đến môi trường tự nhiên khi có đến 3 nhà máy thủy điện được xây dựng trong vùng lõi, một nhà máy nằm trong khu vực phục hồi sinh thái của khu bảo tồn khiến 200 ha rừng đặc dụng bị mất, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học. Một khi hàng trăm ha rừng bảo tồn, phòng hộ bị triệt hạ, con người khó tránh tai họa ập xuống từ thiên nhiên. Con người không ngăn được thiên tai nhưng có thể giảm thiểu thiệt hại nếu môi trường thiên nhiên không bị tàn phá ồ ạt.
Rào Trăng, cái tên đẹp và thơ mộng từ nay được nhắc đến là một địa danh chết chóc, dấu ấn bất hòa giữa con người với thiên nhiên và là bài học nhân quả khó phai mờ.
Quy hoạch thủy điện tăng thêm
Năm 2016, Bộ Công Thương tiếp tục có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng thủy điện A Lin Thượng ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới. Thủy điện này nằm trên suối Hu, là nhánh cấp I của sông A Lin và tận dụng nguồn nước từ hồ điều tiết Hồ Hu để phát điện trước khi bổ sung nước cho hồ chứa của thủy điện A Lin B1 phía hạ lưu. Trong quyết định của mình, Bộ Công Thương khẳng định dựa trên đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.