Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tàn phá thiên nhiên và cái giá phải trả

(23:00:52 PM 05/11/2020)
(Tin Môi Trường) - Những gì miền Trung đang gánh chịu có thể xem là thảm họa. Thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng vùng này vốn khắc nghiệt, đó là một lẽ, song nếu không có bàn tay thô bạo của con người thì thiên tai đã không khủng khiếp đến thế...

Miền Trung chưa thoát được hoàn toàn đại dịch Covid-19 lại đang liên tục bị thiên tai bão lũ, lở đất hoành hành, nhiều người dân, kể cả cán bộ chiến sĩ quân đội đã mất tính mạng, nhiều cơ sở vật chất bị tàn phá, đau thương không kể xiết. Đáng lẽ, đã không phải gánh chịu như thế.

Thủy điện: Lợi lớn, hại không nhỏ
 
Đối với khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu..., nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hằng năm. Trước và sau khi có các hồ chứa thủy điện vận hành, đã xảy ra nhiều trận mưa, lũ gây thiệt hại nặng nề đối với khu vực này như các năm 1999, 2007, 2008, 2010, 2011 và 2020.
 
Hiện nay, toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang (7.025 MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565 MW); đang thi công xây dựng 11 dự án bậc thang (704 MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859 MW). Đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã vận hành góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điều tiết mức giá điện hợp lý (thủy điện trên cả nước hiện chiếm khoảng 37% điện năng của hệ thống điện quốc gia), đóng góp tỉ lệ cao trong nguồn thu ngân sách của các địa phương liên quan, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.
 
Tuy nhiên, do thủy điện vừa và nhỏ chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn nên dung tích hồ chứa khiêm tốn, dẫn tới hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể. Đáng nói, khi xây dựng thủy điện thì phải phá rừng - đây là yếu tố "góp phần" vào việc làm thay đổi dòng chảy, môi trường sinh thái trong khu vực. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Công Thương đã không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.
 
Tổng lượng mưa lũy tích từ ngày 15-10 đến 19 giờ ngày 19-10-2020: khu vực Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa - Nghệ An phổ biến 160÷220 mm, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế phổ biến 450÷840 mm. Trong khi đó, hệ thống công trình thoát lũ ở miền Trung vẫn còn quá ít, liên quan đến cả hệ thống giao thông cắt vuông góc với hướng dòng chảy, đường càng cao thì chặn lũ, ứ lại càng nhiều, hệ thống cống thoát khi tính toán thiết kế thường không tính được hết lưu lượng lũ cần tải qua càng làm cho khả năng thoát lũ chậm hơn.
 
Tàn phá thiên nhiên và cái giá phải trả
Thủy điện Đăk Mi 4 ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam xả lũ điều tiết nước hôm 13-10.-Ảnh: Trần Thường
 
Gọi đích danh "nhân tai"!
 
Miền Trung tang thương như vậy còn có cả nguyên nhân chủ quan từ một số lãnh đạo và người dân địa phương. Minh chứng cụ thể như ở hạ lưu sông Hương - TP Huế cũng đã có xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng độ chính xác không cao và khi thực hiện dự án này cũng không xây dựng được theo các kịch bản mưa cực đoan, dồn dập mưa nhiều đợt như thời gian vừa qua. Phải khuyến cáo cụ thể là ứng với lượng mưa ở khu vực nào thì bị ngập bao nhiêu, từ đó chính quyền các cấp phải vào cuộc quyết liệt, chủ động di dời dân đến những khu vực an toàn đã được nghiên cứu trong các dự án - rất tiếc là họ không làm những điều này.
 
Nhân tai nạn tang thương ở miền Trung, có một phóng viên chia sẻ rằng năm 1999, gần 20 con người gồm giáo viên, cán bộ... trên đường lên Sơn Tây (Quảng Ngãi), do lỡ đường nên tấp vô lán trại của công nhân làm đường ở tạm qua đêm. Và tối đó cả ngọn đồi kế cận đổ ụp, cuốn luôn toàn bộ những người trong lán xuống suối.
 
Vấn đề đặt ra là tại sao sau 21 năm ở miền Trung vẫn có nhiều người chết và mất tích vì lũ lụt, đặc biệt do lở đất - như trường hợp ở Sơn Tây kể trên. Người dân thắc mắc: Làm thế nào mà một sản phụ đi sinh lại không có xuồng máy đưa đi, phải ngồi xuồng nhỏ chèo chống trong lũ dữ, áo phao không có, cả hai mẹ con phải chết oan ức! Thiên tai có mỗi năm nhưng mỗi năm đều có chết chóc thì phải nghĩ đến nhân tai.
 
Việt Nam vẫn chưa có đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp được huấn luyện và được trang bị đầy đủ, để khi có lệnh là lên đường ngay bằng trực thăng, ca-nô hoặc xe chuyên dụng băng rừng vượt suối với đủ trang thiết bị mang theo. Đành rằng quân đội có đơn vị cứu hộ song những đơn vị này chủ yếu chuyên trách cứu hộ cho các đơn vị quân đội, không thể cứ mỗi khi thiên tai xảy ra lại cầu cứu quân đội. Quân đội có thể hỗ trợ khi cần nhưng đừng đặt nhiệm vụ dân sự vào tay quân sự.
 
Lại còn những người làm thủy điện, mưa lũ được cảnh báo trên báo đài liên tục cả chục ngày nay mà vẫn giữ chuyên gia nước ngoài cùng công nhân ở hiện trường. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế thì họ làm việc đạt hiệu suất ra sao?
 
Từ những yếu tố con người như trên, ta cần nghĩ đến nhân tai hơn là thiên tai. 
 
Mưa nhiều mà không có hồ chứa lớn
 
Ở khu vực Quảng Trị, Quảng Bình thì trên thượng nguồn không có hồ chứa lớn để trữ nước, trong khi lượng mưa thì quá lớn, chỉ có thể áp dụng giải pháp phi công trình để giảm thiệt hại do lũ gây ra bằng cách dự báo, cảnh báo sớm có độ chính xác cao, từ đó chủ động di dời người dân và chủ động bảo vệ cơ sở hạ tầng trước và trong quá trình xảy ra mưa lũ.
TS TÔ VĂN TRƯỜNG