Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Đừng chống thiên tai bằng lý thuyết!
(22:52:31 PM 05/11/2020)
(Tin Môi Trường) - Dẫn chuyện ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện cứu trợ miền Trung, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhấn mạnh tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 3-11: Thiên tai sẽ diễn ra dài dài, Việt Nam không thể dùng lòng tốt khắc phục hậu quả từ năm này sang năm khác, mà cần có chiến lược lâu bền làm giảm tổn thất nặng nề của bão lụt.
Một trong những chiến lược lâu bền ấy là gì? Ai cũng đã thấy, từ người dân, chuyên gia, nhà quản lý và các nhà chức trách công, đó là vừa trồng rừng vừa giữ rừng. Nhưng nói thì phải làm chứ đừng nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo, như PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn chỉ ra: "Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép đại dự án khởi công ngay ở lõi rừng. Thủy điện "cóc" vẫn được duy trì, thậm chí là cấp phép mới"!
Các bộ, ngành hữu quan nói gì về điều này? Giải trình tại phiên thảo luận nói trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đến nay, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, bởi vì năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%, đến nay đã nâng hệ số che phủ rừng gần 42%, trong khi thế giới bình quân chỉ 29%.
Nếu chỉ nhìn vào những con số thì thấy sự tăng trưởng của hệ số che phủ là khá ấn tượng. Thế nhưng, ngành nông nghiệp không nêu cụ thể các nhóm cây rừng để biết mảng xanh bây giờ là của những loài cổ thụ lim, táu, sến, tếch, trắc, giáng hương, gõ, cẩm lai... quý hiếm hay phần lớn là của cao su, bạch đàn và keo lá tràm? Nếu chủ yếu là mảng che phủ của cây bụi và cây trồng mới chỉ vài năm tuổi để khai thác làm nguyên liệu sản xuất giấy, gỗ tạp hoặc làm giàn giáo, đóng cừ tràm... thì chẳng có ý nghĩa gì mấy trong vai trò ngăn lũ, chặn bão, giảm thiểu thiệt hại thiên tai cả!
Đừng lý giải như ngành nông nghiệp về việc không thể phục hồi rừng tự nhiên như 30 năm trước là do sự tàn phá của chất độc hóa học trong chiến tranh. Đó chỉ là một phần, cái chính là bởi con người hạ sát rừng tự nhiên quá khủng khiếp. Những vụ phá rừng cực lớn bị lôi ra ánh sáng và trừng trị, những bức không ảnh chụp bằng vệ tinh ghi lại cảnh nhiều cánh rừng nguyên sinh nay trở thành "đất trống đồi trọc" đã chứng minh cho thực trạng đó. Lệnh đóng cửa rừng, như ở vùng Tây Nguyên, đã được ban bố nhưng gỗ quý vẫn từ đó trôi về miền xuôi. Phải thừa nhận sự thật chua chát như vậy để có thêm những giải pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn bàn tay tội ác của con người đối với thiên nhiên. Thà muộn còn hơn không.
Ngay cả quy trình liên hồ, đơn hồ được vận hành cho xả lũ đập thủy điện cũng cần được nghiêm túc đánh giá lại. Xả lũ đúng quy trình song hãy làm rõ lý thuyết quy trình đó có đúng chưa? Nếu chỉ bám vào cái quy trình đó để bảo vệ hồ đập trong khi người dân ở hạ du "từ chết tới bị thương" vì nước ngập thì hóa ra giữ chén mà đập bát hay sao?
Tất cả những vấn đề đã đặt ra, con người đều làm được.