(Tin Môi Trường) - Từ ngày 5 tháng 11 trở đi, toàn bộ các hộ dân, cơ quan, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Phường 3, thành phố Tân An sẽ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Theo đó, rác được phân thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải còn lại và được thu gom vào các ngày quy định. Rác sau đó sẽ được mang đi xử lý riêng biệt. Rác hữu cơ sẽ được sản xuất thành phân bón hữu cơ, rác tái chế sẽ được tái chế và rác còn lại được xử lý theo quy định. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương trong việc giải quyết tình trạng quá tải của các bãi rác trên địa bàn tỉnh Long An, tận dụng nguồn tài nguyên rác, đồng thời góp phần ngăn chặn rác, đặc biệt là rác thải nhựa, thất thoát ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch và đại dương.
Trước khi thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn cho toàn phường 3, WWF đã phối hợp chặt chẽ cùng với chính quyền địa phương thực hiện thí điểm cho một khu phố (KP Bình Đông 2) với khoảng 430 hộ dân, từ 1/8/2020 đến 30/9/2020. Sau 2 tháng thực hiện, mô hình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hơn 95% hộ gia đình tích cực tham gia phân loại rác tại nguồn trong đó 86% hộ thực hiện phân loại tốt. Toàn bộ rác thải thu gom được, trong đó có 45% là rác hữu cơ, sau đó được chuyển về nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa của thành phố.
Kỳ vọng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự cam kết tham gia của gần 4.800 hộ gia đình, mô hình thí điểm sẽ đạt được thành công như mong muốn (sản xuất được phân bón hữu cơ có chất lượng cao; thu gom tối đa lượng rác thải có thể tái chế và tái sử dụng; và giảm tối đa khối lượng rác chôn lấp hoặc đốt).
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: “Rác thải và tình trạng quá tải của các bãi rác là một vấn đề khiến chúng tôi luôn phải trăn trở tìm hướng giải quyết. Sự thành công của mô hình thí điểm ở KP Bình Đông 2 đã mang lại niềm tin và sự quyết tâm để chúng tôi mở rộng mô hình ra toàn phường 3 và cả thành phố Tân An trong tương lai.”
Theo ước tính, hơn 80% rác nhựa trong đại dương bắt nguồn từ đất liền, trong đó đô thị đóng vai trò chủ đạo. Tân An là một thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hạ nguồn của dòng Mekong, là một trong 10 con sông gây ô nhiễm nhất thế giới, mang rác nhựa theo dòng chảy của mình ra đại dương. Việc thu gom rác thải không triệt để, cùng với việc lạm dụng đồ nhựa dùng một lần, không chỉ gây gánh nặng cho hệ thống thu gom xử lý rác thải mà còn thất thoát ra môi trường, khiến cho các con sông, ao hồ, đất đai và không khí ngày càng trở nên ô nhiễm.
Bà Trịnh Thị Long, Quản lý Dự án Giảm thiểu rác thải đại dương thông qua cải thiện quản lý rác trên kênh, sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Phân loại rác tại nguồn không phải là một công việc quá khó và rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện được. Việt Nam chúng ta chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân, trong đó ý thức và thói quen của người dân chưa được hình thành và cơ chế quản lý rác thải chưa đồng bộ. Thành công của khu phố Bình Đông 2 trong hai tháng vừa qua đã chứng minh cho chúng ta thấy công việc này hoàn toàn khả thi và được người dân ủng hộ. Tôi tin rằng với ý thức ngày càng cao của người dân và sự quyết tâm ủng hộ của các cấp chính quyền, vấn đề xử lý rác thải của chúng ta sẽ dần được giải quyết và trong tương lai rất gần, rác sẽ là một nguồn tài nguyên được tận dụng tối đa tại Việt Nam.”
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hoạt động của Dự án Giảm thiểu rác thải đại dương thông qua cải thiện quản lý rác trên kênh, sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long do WWF-Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức và công ty Kaldewei và Straniak (Đức).
Bà Helene Paust, Bí thư thứ nhất – Phó trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi rất hồi hộp khi dự án bắt đầu triển khai bởi mô hình phân loại rác tại nguồn đã không được người dân mặn mà thực hiện sau một số dự án tương tự thất bại. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi hoạt động của dự án cho những kết quả tích cực. Khi chúng ta cho người dân thấy rằng, chính họ chứ không phải ai khác là những người có thể giải quyết được vấn đề của môi trường nơi mình sống, họ sẽ có động lực lớn hơn và niềm tin vào những gì mình đang thực hiện. Có lẽ đây chính là bí quyết thành công của hoạt động này.”
Để hỗ trợ cho hoạt động phân loại rác tại nguồn, dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, các buổi họp mặt nhằm hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn; hỗ trợ người dân các thùng rác, túi đựng rác; hỗ trợ các xe thu gom rác tại các khu phố. Cán bộ dự án cũng luôn song hành cùng người dân và chính quyền để giám sát việc thực hiện phân loại rác, hỗ trợ xoá bỏ các tụ điểm rác thải tự phát gây ô nhiễm và mất mỹ quan.