(Tin Môi Trường) - UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ buộc Công ty thủy điện Đắk Mi phải đền bù cho dân sau khi thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ kinh hoàng gây thiệt hại cho người dân vào chiều 28-10.
Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ sáng 2-11 - Ảnh: B.D.
Thống kê của huyện Nam Giang cho thấy gần như toàn bộ nhà dân nằm dọc sông dưới hạ nguồn thủy điện Đắk Mi 4 đã ngập chìm trong biển nước.
Phó chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn cho biết việc người dân chịu thiệt hại nặng nề như vậy là do thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng quá lớn, lại đúng vào thời khắc dân đi chạy bão số 9 chưa kịp về nhà hôm 28-10.
Theo ông Sơn, trước bão số 9 đổ bộ, người dân dọc sông đã được cho đi sơ tán. Cuối chiều 28-10, khi bão vừa dứt thì thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ ngay, lúc này dân chưa kịp về nhà để dọn dẹp đồ đạc.
"Tôi trực đường dây nóng của huyện mà chiều đó dân gọi kêu cứu liên tục, nước lên rất nhanh. Quá bàng hoàng nên tôi gọi cho bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh yêu cầu can thiệp" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Chương - trưởng Phòng Nông nghiệp Nam Giang, cũng nói rằng lúc thấy lũ tràn vào thị trấn và lút nhà dân, ông quá hoảng nên bốc máy gọi liên tục cho lãnh đạo thủy điện Đắk Mi 4 yêu cầu giảm xả lũ ngay, nếu không dân sẽ chết.
Ngày 30-10 khi xuống thăm hỏi, ghi nhận tình hình thiệt hại của dân, nhiều người có nhà cửa bị trôi, đổ sập ở các xã như Cà Dy, thị trấn Thành Mỹ... đã bật khóc trước mắt đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Ông cũng cho biết huyện sẽ đề nghị tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 phải chịu trách nhiệm, không loại trừ việc sẽ hỗ trợ dân khởi kiện.
"Phải khẳng định là đền bù chứ không nói là hỗ trợ, bởi tôi khẳng định thiệt hại lần này là lỗi chính từ thủy điện. Chúng tôi sẽ cho Công an huyện, Viện kiểm sát, các phòng ban xuống lập hồ sơ kiểm kê từng hộ để tập hợp hồ sơ pháp lý cụ thể, rõ ràng và khách quan", ông nhấn mạnh.
Các hộ dân bỗng chốc rơi vào cảnh trắng tay - Ảnh: B.D.
Trao đổi , ông Đinh Hữu Tấn - giám đốc Công ty CP thủy điện Đắk Mi - đơn vị quản lý thủy điện Đắk Mi 4, cho biết đỉnh xả lũ của Đắk Mi 4 cao điểm nhất là hơn 7.000 m3/s và đó là điều bất khả kháng bởi nước về hồ quá lớn.
Về những thiệt hại của dân Nam Giang, ông Tấn cho biết sẽ bám sát với phía địa phương để có phương án thống nhất. "Chúng tôi đã cử đoàn gồm một số thành viên, đầu tuần tới sẽ xuống làm việc với huyện và bà con" - ông Tấn thông tin.