Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc:Phải có cơ chế giám sát vận động cứu trợ

(15:02:49 PM 25/10/2020)
(Tin Môi Trường) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề xuất xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ những cá nhân, tổ chức tham gia vận động cứu trợ; đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Chiều 24/10, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trả lời phỏng vấn về việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.


- Những năm qua, Mặt trận tổ quốc VN và các cấp đã thực hiện việc kêu gọi quyên góp, cứu trợ như thế nào mỗi khi xảy ra thiên tai, thảm họa, thưa bà?
 
- Công tác vận động các nguồn lực để hỗ trợ nhân dân khi gặp thiên tai, sự cố bất thường được thực hiện theo Nghị định 64/2008. Theo đó, hai tổ chức được Chính phủ đảm bảo các điều kiện để kêu gọi nguồn lực xã hội cho việc cứu trợ là Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ.
 
Khi xảy ra thiên tai nghiêm trọng, trên địa bàn rộng, Đoàn chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc sẽ ra lời kêu gọi. Nếu thiên tai xảy ra ở một địa phương thì Mặt trận tổ quốc địa phương kêu gọi nhân dân trong và ngoài nước đóng góp cứu trợ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng thực hiện quy trình tương tự, nhưng chủ yếu kêu gọi cộng đồng, tổ chức quốc tế ủng hộ.
 
Việc kêu gọi diễn ra mỗi khi có sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tính mạng của người dân. Chẳng hạn, năm 2016 xảy ra sự cố môi trường Formosa ở miền Trung, chúng tôi đã đứng ra kêu gọi nhân dân đóng góp nguồn lực để hỗ trợ.
 
Mỗi khi nhận được nguồn lực, chúng tôi sẽ phân bổ cho cấp cơ sở để hỗ trợ khẩn cấp cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số còn lại để giúp người dân khắc phục hậu quả, tái thiết nhà cửa, sản xuất, trên cơ sở danh sách thống kê từ các địa phương tổng hợp. Nguyên tắc là nguồn lực vận động của đợt nào sẽ được phân bổ hết đợt đó. Kết thúc mỗi đợt, chúng tôi đều báo cáo với Chính phủ.
 
Từ khi xảy ra mưa lũ ở miền Trung đến nay, Mặt trận tổ quốc đã tiếp nhận gần 50 tỷ ủng hộ. Các địa phương huy động được hơn 100 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn, bởi mưa lũ miền Trung xảy ra đúng thời điểm Mặt trận tổ quốc phát động tháng cao điểm vì người nghèo. Vì vậy chúng tôi vừa vận động hỗ trợ người nghèo cả nước, vừa vận động hỗ trợ nhân dân miền Trung.
 
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cơ quan báo chí, quỹ xã hội từ thiện... được quyên góp cứu trợ. Tuy nhiên, tất cả nguồn lực quyên góp từ các tổ chức đều phải tập trung về Quỹ cứu trợ trung ương và các địa phương để thống nhất, phân bổ hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của nơi cần cứu trợ.
 
Phải có cơ chế giám sát vận động cứu trợ
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
 
- Trong quá trình thực hiện Nghị định 64, bà thấy điều gì bất cập cần thay thế?
 
- Theo quy định, bên cạnh Mặt trận Tổ quốc VN thì các tổ chức khác cũng được đứng ra kêu gọi, vận động nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, các tổ chức này khi tiếp nhận nguồn lực, thường không chuyển về một đầu mối theo quy định. Đây là khó khăn lớn nhất. Bởi nếu nguồn lực tập trung vào một đầu mối, sẽ được phân bổ hiệu quả hơn. Sự hỗ trợ mà phân tán sẽ khó đạt hiệu quả cao.
 
Nguyên nhân của tình trạng này bởi Nghị định 64 chỉ quy định "toàn bộ số tiền huy động được, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban cứu trợ cùng cấp", mà chưa đề ra chế tài nếu không thực hiện đúng.
 
Mấy năm gần đây, chúng tôi qua khảo sát thấy bất cập này, có kiến nghị thì bắt đầu có chuyển biến. Một số tổ chức đã thông qua Mặt trận Tổ quốc để chuyển nguồn lực cứu trợ đến các nơi.
 
Vướng mắc nữa là công tác cứu trợ giữa Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ đôi khi gây hiểu nhầm cho người dân. Theo quy định, Hội Chữ thập đỏ vận động trong hệ thống của đơn vị này hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều trường hợp Mặt trận tổ quốc ra lời kêu gọi xong thì Hội Chữ thập đỏ cũng kêu gọi, khiến người dân có tâm lý hoài nghi việc này có bị lợi dụng hay không. Vì vậy, chúng tôi sẽ đề xuất Nghị định mới phải phân tách rõ phạm vi, trách nhiệm giữa hai đơn vị.

- Vừa qua, nhiều cá nhân tự vận động cứu trợ miền Trung bị lũ lụt, như ca sĩ Thủy Tiên trực tiếp vào vùng lũ để chuyển tiền, hàng hóa đến từng người dân. Quan điểm của bà về những hoạt động này?
 
- Tôi nghĩ những cá nhân kêu gọi ủng hộ miền Trung đều xuất phát từ cái tâm muốn làm việc thiện, từ tình thương yêu người dân vùng bị bão lũ. Có thể ban đầu họ không nghĩ rằng sẽ kêu gọi được số tiền lớn như vậy nên đến tận nơi để trao cho người dân. Đó là những tấm gương, nghĩa cử cao đẹp cần nhân rộng.
 
Tuy nhiên, nếu tiếp tục cứu trợ tự phát như vậy sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Họ có thể đi đến vùng lũ, nhưng chưa chắc vào được những vùng sâu, nơi người dân đang thực sự cần cứu trợ. Từ đó cộng đồng sẽ sinh ra sự so bì, cảm giác nơi này được quan tâm, nơi khác không được quan tâm.
 
Hơn nữa, trong mưa lũ, những hoạt động cứu trợ tự phát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của họ và những người khác. Nhất là các nghệ sĩ vốn chỉ quen biểu diễn trên sân khấu, sao có thể ứng phó kịp với bất thường, tai nạn có thể xảy ra.
 
Tôi hiểu mỗi người đều có tấm lòng tốt hướng đến đồng bào đang gặp hoạn nạn nhưng làm thế nào để việc cứu trợ đạt hiệu quả. Đơn cử, nếu cho người dân đang trong lũ mấy gói mì tôm, mấy cân gạo thì họ lấy đâu ra nước, bếp, lửa để nấu ăn. Vì vậy, cần có tổ chức sắp xếp, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của xã hội được sử dụng hiệu quả.
 
Chúng tôi chưa khẳng định việc cá nhân kêu gọi quyên góp cứu trợ là đúng hay sai, nhưng vấn đề quan trọng là với những cá nhân huy động được số tiền lớn phải có cơ chế nào để kiểm soát sự công khai, minh bạch? Bởi theo quy định, một đồng tiếp nhận từ người hỗ trợ phải được chuyển đủ một đồng đến với người cần hỗ trợ. Nghĩa là những chi phí phục vụ cho hoạt động cứu trợ cần do ngân sách nhà nước hoặc cá nhân tự đảm bảo. Chẳng hạn, Mặt trận Tổ quốc nhận được một tỷ đồng ủng hộ, thì chúng tôi sẽ chuyển một tỷ đồng đến địa phương cần cứu giúp. Còn việc đi lại, ăn ở của chúng tôi do ngân sách đảm bảo.
 
Đặc biệt, khi cá nhân vận động được số tiền lớn, lên đến vài chục hoặc hàng trăm tỷ thì cho dù cá nhân đó minh bạch đến đâu, cũng sẽ có người đặt câu hỏi, cơ quan nào sẽ giám sát sự minh bạch, công khai trong sử dụng nguồn lực đó. Vậy nên để dư luận không hoài nghi, mỗi cá nhân nên chia sẻ nguồn lực đã vận động được ấy với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc VN, Hội Chữ thập đỏ... để điều tiết hiệu quả, thiết thực, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh hoài nghi của dư luận.
 
- Ngày 23/10, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định mới để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm hiệu quả, kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc này. Nghị định mới nên được xây dựng ra sao, thưa bà?
 
- Việc làm từ thiện không hạn chế với bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Ai cũng có quyền vận động để hỗ trợ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhưng làm thế nào để đồng tiền cứu trợ được sử dụng thiết thực, ý nghĩa. Chúng tôi sẽ suy nghĩ, cân nhắc rất kỹ để cùng Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tham gia công việc này nhưng không bó hẹp quyền được làm từ thiện của mọi người.
 
Lòng tốt thì không ai hạn chế, nhưng dù là cá nhân hay tổ chức, khi đã đứng ra kêu gọi quyền góp ủng hộ thì phải theo quy định để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bởi nếu cá nhân vận động được số tiền lớn nhưng sử dụng không đúng mục đích cứu trợ thì sẽ để lại hệ quả hoặc gây hoài nghi trong dư luận. Vậy nên, cần có cơ chế để kiểm tra, giám sát những hoạt động này.  
 
Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất trong nghị định mới quy định để bất kỳ ai vận động cứu trợ đều phải có tổ chức hoặc lực lượng giám sát, đánh giá hiệu quả. Cơ chế giám sát cũng sẽ được xây dựng, như việc Mặt trận tổ quốc hàng năm đều có kiểm toán. Hội Chữ thập đỏ sẽ do Mặt trận tổ quốc kiểm tra hoạt động.
 
Qua đợt quyên góp cứu trợ miền Trung lũ lụt vừa rồi, chúng tôi nhận thấy so với cá nhân thì tổ chức kêu gọi cứu trợ chậm hơn, bởi còn đảm bảo đúng các quy định khi phát động. Hơn nữa, hiện các cá nhân, đặc biệt là nghệ sĩ, người nổi tiếng chỉ trong thời gian ngắn kêu gọi được số tiền tương đối lớn bởi ứng dụng công nghệ thông tin. Sắp tới, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động quyên góp cứu trợ đạt hiệu quả và nhanh hơn. Mặt trận tổ quốc cũng luôn sẵn sàng phối hợp với các nghệ sĩ hay bất cứ ai để cùng thực hiện công tác vận động cứu trợ.
 
Theo điều 5 của nghị định 64/2008, ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:
 
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
 
- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
 
- Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
 
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
(Viết Tuân/VnExpress)