(Tin Môi Trường) - Chưa lúc nào dân ta lại thấy thấm thía như bây giờ câu nói đúc kết kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta khi xếp thứ tự 4 loại tai họa: thủy, hỏa, đạo, tặc.
Ảnh: NLĐ
Do đặc điểm địa hình, thủy văn, thời tiết và cả thói quen sinh sống nên bên cạnh việc khai thác, tận dụng những lợi ích do nguồn nước mang lại thì người Việt cũng phải thường xuyên đối chọi với những khó khăn, tai họa gây ra bởi chính nguồn nước đó.
Hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ, người dân, nhất là ở khu vực miền Trung, ngoài nỗi lo về thiên tai còn canh cánh trong lòng nỗi lo sợ về "nhân tai" do các hồ thủy điện xả lũ.
Lời nguyền tài nguyên có câu "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt" ngẫm suy thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên.
Ngoài nguyên nhân do lâm tặc hoành hành, sự tiếp tay của những phần tử thoái hóa trong chính quyền thì việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan, tàn phá rừng đầu nguồn, kể cả vườn quốc gia, cũng là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi..., phá hủy các cơ sở hạ tầng, làm nhiều người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", đặc biệt là cướp đi biết bao sinh mạng của người dân vô tội.
Năm nay, miền Trung đang phải hứng chịu, vật lộn, chống chọi với bão lũ, đặc biệt lại do lở đất, làm chết và mất tích hơn 50 người ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, gây nên sự mất mát thật đau lòng.
Địa chất khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam là vùng địa hình dốc, đất yếu. Khi mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã như thế rồi, khi có tác động san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng... lại càng tác động đến kết cấu địa hình thì nguy cơ càng lớn hơn. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, nguy cơ càng cao hơn gấp bội. Vì vậy, khi xây dựng các cơ sở hạ tầng, kể cả doanh trại quân đội, phải hết sức quan tâm, từ khâu khảo sát, thiết kế đến kiểm tra an toàn khi đối phó với rủi ro trượt, sạt lở đất.
Để hỗ trợ cho việc điều tiết lũ hiệu quả, kể cả các nhà máy thủy điện, có nhiều yếu tố liên quan đến nhân tai: Quản lý vận hành hồ cần phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định, đây là điều rất khó kiểm soát trong những tình huống khó khăn khi đứng trước bài toán tích nước phát điện và xả đón lũ.
Tăng cường nâng cao chất lượng công tác dự báo, đồng bộ, hỗ trợ được các quyết định trong các tình huống cần phản ứng nhanh của thủy điện.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cảnh báo được cho người dân trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.
Củng cố các cơ sở hạ tầng và phương tiện tránh, trú khi có mưa lớn, lũ lớn, đặc biệt ở các vùng miền núi, nông thôn và ven biển.
Về cơ bản, cần rà soát, hiệu chỉnh quy hoạch phát triển của các ngành, nhất là tuyến đường giao thông phải có đủ khẩu độ cống thoát lũ và phải được "lồng ghép" trong quy hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước và phòng chống thiên tai.
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam luôn tồn tại mâu thuẫn và nghịch lý. Mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường thiên nhiên là một vấn đề mang tính chất sinh tử không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả thế giới.
Bởi vậy, người ta mới đúc kết thành thơ: "Nếu tàn phá hết thiên nhiên/ Sách Đỏ lại sẽ ghi tên con người".