(Tin Môi Trường) - Thay đổi màu sắc, vẽ thêm họa tiết… những ý tưởng đơn giản chỉ dùng cọ vẽ và sơn, tưởng chừng không mấy liên quan nhưng lại có thể giúp bảo vệ gia súc khỏi thú săn mồi, hay ngăn không cho chim “đâm đầu vào chỗ chết”. Nhưng trên tất cả là sự can thiệp đó cũng gián tiếp góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
“Điểm nhãn” cho mông bò
Bò được "điểm nhãn". Ảnh: Ben Yexley
Thoạt nghe như một trò đùa, nhưng các nhà khoa học vừa phát hiện rằng những đôi mắt giả vẽ bằng sơn trên mông của lũ bò có thể giúp bảo vệ loài gia súc này khỏi nanh vuốt của loài săn mồi hoang dã. Kỳ thực đây là một nghiên cứu nghiêm túc kéo dài hơn 4 năm ròng bởi Đại học UNSW Sydney, Hiệp hội Bảo tồn Taronga Úc và Khu bảo tồn động vật ăn thịt Botswana (châu Phi), được công bố trên tạp chí Communications Biology hồi tháng 8.
Nhóm nghiên cứu đã làm việc với một số nông dân ở Botswana để thử nghiệm sáng kiến “điểm nhãn” trên 2.061 con bò thuộc 14 đàn gia súc thường xuyên bị sư tử tấn công. Người ta chia mỗi đàn bò thành 3 nhóm và lần lượt tô vẽ theo 3 mức độ: từng cặp mắt trên mỗi cặp mông, những dấu chéo đơn giản và không tác động gì cả (nhóm dùng để đối chứng).
Đến cuối cùng, không con bò nào trong nhóm “4 mắt” (2 thật, 2 giả) phải bỏ mạng trên đồng cỏ châu Phi dưới móng vuốt của các loài săn mồi. Hay có thể nói, thú ăn thịt ít tấn công những gia súc được vẽ thêm mắt này hơn. “Nhiều loài mèo lớn, bao gồm sư tử, báo và hổ, là những loài săn mồi theo kiểu mai phục. Điều này có nghĩa chúng rình rập con mồi và tấn công bất ngờ. Trong một số trường hợp, bị con mồi nhìn thấy có thể khiến chúng từ bỏ mục tiêu”, nhóm nghiên cứu giải thích tác dụng của cặp mắt vẽ thêm trong một bài viết trên The Conversation.
Trong thế giới tự nhiên, chúng ta đã biết một số loài bướm, cá và chim có họa tiết như những con mắt giả trên cơ thể chúng nhằm đánh lừa kẻ thù. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Theo hiểu biết của chúng tôi, nghiên cứu này là lần đầu tiên cho thấy họa tiết đôi mắt có khả năng ngăn chặn những loài thú ăn thịt lớn”.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thừa nhận một số hạn chế của nghiên cứu này. Đầu tiên, nghiên cứu dựa trên quan sát quần thể bò được “điểm nhãn” xen lẫn với bò có vẻ ngoài bình thường; chưa rõ kết quả sẽ thế nào nếu toàn bộ đàn bò đều được vẽ thêm mắt. Thứ hai, theo thời gian, liệu các loài mèo lớn có trở nên “lờn thuốc” với phương pháp này, và từ đó sẽ không còn ngần ngại tấn công gia súc nữa hay không vẫn là ẩn số.
Như vậy, cần nghiên cứu thêm để xem hiệu quả dài hạn và toàn diện của sáng kiến này. Trong lúc đó, những hình vẽ đôi mắt trên mông bò tạm thời vẫn là giải pháp rẻ tiền và thân thiện để nông dân, gia súc và động vật hoang dã cùng chung sống.
Gia súc giả ngựa vằn
Bò giả ngựa vằn. Ảnh: Plos One
Những ngày khổ sở vẫy đuôi, giậm chân để xua đuổi ruồi của lũ bò có thể sớm kết thúc nhờ những nét cọ đơn giản - sọc trắng, sọc đen. Các nhà khoa học tin rằng khi làm cho một con bò trông giống như một con ngựa vằn, người nông dân có thể hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu bọ, và giúp việc chăn nuôi thân thiện với môi trường hơn.
Lại một lần nữa, đằng sau sáng kiến vẽ vời “nửa đùa nửa thật” là một nghiên cứu nghiêm túc. Kết quả thử nghiệm được công bố hồi năm ngoái trên tạp chí Plos One bởi nhóm nhà khoa học Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Aichi.
Việc hóa trang cho mỗi con bò chỉ tốn khoảng 5 phút, sử dụng một loại sơn nước dễ phai. Nhóm nghiên cứu đã vẽ bằng tay những dải sọc, rộng từ 4 đến 5cm, trên sáu con bò đen Nhật Bản đang mang thai. Mỗi ngày, có hai con bò được sơn sọc trắng, hai con sơn sọc đen và hai con không sơn để đối chứng. Trong vòng chín ngày, mỗi con bò đều thay phiên trải qua ba ngày sọc trắng, sọc đen và không sơn.
“Mọi người đã nghĩ rằng đây là một trò đùa” - một thành viên nói với kênh truyền hình NHK của Nhật Bản. Thế nhưng, lợi ích khi giả làm ngựa vằn là không thể phủ nhận. Kết quả là những con bò khi mang sọc trắng đã chịu ít vết cắn của ruồi trâu hơn bình thường đến gần 50%. Khi được sơn đen, lũ bò vẫn bị cắn không khác gì bình thường, chứng tỏ màu trắng - chứ không phải mùi sơn - là yếu tố mang lại khác biệt.
Ngoại hình đặc biệt của ngựa vằn có thể là kết quả của quá trình tiến hóa nhằm giải quyết nhiều vấn đề, trong đó bao gồm việc xua đuổi ruồi muỗi. Một vài nghiên cứu trước đây cũng phát hiện rằng ruồi ít khi đậu lên các đồ vật được sơn sọc hay những con ngựa khoác trên mình tấm chăn có sọc, theo báo The Guardian. “Hiện tượng này được giải thích là có liên quan đến sự thay đổi độ sáng hoặc phân cực ánh sáng” - nhóm nghiên cứu cho biết. Theo các nghiên cứu trước đó, những đường sọc làm rối khả năng nhận diện chuyển động của ruồi, khiến chúng lao đến mục tiêu rất nhanh nhưng không thể đáp xuống chính xác.
Lâu nay, ruồi trâu làm gián đoạn việc gặm cỏ, cho con non bú và ngủ nghỉ của gia súc. Chúng cũng khiến lũ gia súc chen lấn để có không gian thoáng hơn, làm tăng nhiệt độ trong đàn và gây thương tích. “Ruồi trâu là loài côn trùng chân đốt gây hại nhiều nhất cho gia súc trên toàn thế giới. Tác động kinh tế của ruồi lên ngành chăn nuôi gia súc của Mỹ ước tính vào khoảng 2,2 tỉ đôla mỗi năm” - nhóm nghiên cứu viết.
Việc liên tục sử dụng thuốc trừ sâu để xua đuổi ruồi ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, làm ô nhiễm nguồn sữa và các sản phẩm thịt. Đồng thời cách làm này dẫn đến tình trạng côn trùng kháng thuốc trừ sâu, tạo điều kiện cho các sản phẩm ngày càng độc hại thay thế những hóa chất đã bị vô hiệu.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ còn nhiều việc cần làm để củng cố mối liên hệ giữa sọc và ruồi, đồng thời phát triển các phương pháp tô vẽ ít tốn công hơn để đảm bảo các đường sọc có thể tồn tại lâu trên lông bò.
Sơn cánh quạt gió để cứu chim
Ảnh: Ars Technica
Một trong những hệ lụy môi trường lớn nhất của chuyện phát triển năng lượng gió là tình trạng chim trời đâm sầm vào các tuôcbin. Chẳng hạn như ở Na Uy, “từ 6 đến 9 con đại bàng đuôi trắng mất mạng mỗi năm tại nhà máy điện gió Smøla” - theo Roel May, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu tự nhiên Na Uy trong một phỏng vấn của BBC News.
Một nghiên cứu gần đây của May, công bố trên tạp chí Ecology and Evolution vào tháng 7, đưa ra một giải pháp bất ngờ: cũng lại dùng màu sơn, nhưng chỉ sơn đen một cánh quạt duy nhất của mỗi tuôcbin gió thay vì toàn bộ.
Trang trại Smøla có 68 tuôcbin, và một nghiên cứu trước đó đã ghi nhận gần 500 con chim đã thiệt mạng vì va phải các cánh quạt ở đây trong vòng 10 năm. Nhóm nghiên cứu của Roel May đã thử nghiệm việc sơn đen cánh quạt của 4 tuôcbin chọn ngẫu nhiên trong số 68 tại đây vào năm 2013. Trong 3 năm tiếp theo, họ ghi nhận chỉ có 6 con chim chết vì đâm đầu vào cánh quạt được sơn màu, so với 18 con chết vì các cánh quạt không được sơn gần đó.
Theo các nhà nghiên cứu, các cánh quạt màu đen sẽ giúp chim chóc dễ nhận ra chướng ngại vật là các tuôcbin gió. Những loài chim có mắt đối xứng 2 bên đầu, như sếu, thường có tầm nhìn rộng, nhưng cái giá phải trả là một điểm mù lớn phía trước mặt. Với chim săn mồi, như đại bàng, thị lực 2 mắt rất tốt nhưng chúng dành nhiều thời gian “quét” mặt đất và không gian bên dưới để tìm mồi, nên cũng thường bị va chạm.
Tiến sĩ May cho biết những phát hiện này mang đến nhiều hi vọng, nhưng họ cần phải thử nghiệm thêm ở các trang trại gió khác nhau để củng cố nghiên cứu. Một khía cạnh chưa được thử nghiệm là liệu các cách sơn khác, ví dụ sơn đỏ ở mũi cánh quạt, có mang lại hiệu quả tương đương hay không.
Trong một bài viết trên The Conservation, Jethro George Gauld thuộc Đại học East Anglia (Anh) đặt giải thiết: nếu những cánh quạt màu đen lại thành thông điệp cảnh báo lũ chim phải hoàn toàn tránh xa nơi này, kết quả nghiên cứu trên sẽ không tốt đẹp như ta tưởng.
Các nhà khoa học đang không ngừng tìm hiểu cách các loài chim nhìn nhận thế giới, ở đâu và khi nào chúng gặp rủi ro cao nhất trong các trang trại gió. Các phát hiện sẽ cho phép chúng ta tiếp tục phát triển năng lượng gió, đồng thời bảo vệ được đa dạng sinh học. Dẫu vậy, những cánh đồng gió là một tương lai phù hợp khi nó được đặt ở những vị trí phù hợp. Những giải pháp giảm thiểu tác động, như ý tưởng sơn đen cánh quạt, chỉ nên bổ sung cho những nỗ lực tìm hiểu và lựa chọn địa điểm thích hợp để triển khai điện gió.■
Ở những đồng bằng nơi thiên nhiên hoang dã được bảo tồn, như một phần châu thổ Okavango của Botswana, các loài thú hoang, bao gồm động vật săn mồi và voi châu Phi, có thể di chuyển tự do và việc “gặp gỡ” các đàn gia súc là không thể tránh khỏi. Chúng tấn công gia súc, và rồi những người nông dân mất bò sẽ truy lùng thú săn mồi để trừng phạt, hoặc bằng súng hoặc bằng thuốc độc. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm số lượng sư tử ở châu Phi trong vài thập kỷ qua, thậm chí kéo theo tỉ lệ tử vong do ngộ độc ở các loài ăn xác thối như kền kền. Vì thế, các nhà khoa học kỳ vọng sáng kiến vẽ mắt cho mông bò sẽ trở thành một giải pháp nhân đạo để xua đuổi thú săn mồi, đồng thời cũng gián tiếp bảo vệ chính các loài động vật hoang dã này, từ đó hỗ trợ nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.