Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lại "kêu cứu" cho sông Sài Gòn

(17:37:34 PM 07/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Tình trạng “hấp hối” của sông Sài Gòn đe dọa đến an toàn cấp nước cho hàng triệu người dân một lần nữa được các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổng thể và khả thi bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn phục vụ an toàn cấp nước”.

 

Hội thảo này được Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 6-7.

 

>> Thay nguồn nước sạch hơn cho TP.HCM

 

 

Kỹ sư Trần Đình Hà (trái) và kỹ thuật viên Nguyễn Đức Thành, thuộc khoa sức khỏe cộng đồng Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, lấy mẫu kiểm tra nguồn nước trên sông Sài Gòn chiều 6-7 - Ảnh: Châu Anh

 

Ô nhiễm tiếp tục tăng

 

Theo thạc sĩ Lê Việt Thắng, mỗi ngày lưu vực sông Sài Gòn (gồm các tỉnh thành Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, TP.HCM) tiếp nhận hơn 748.000m3 nước thải sinh hoạt (TP.HCM chiếm tới 91,2%). Trong đó, tải lượng các chất như SS (chất rắn lơ lửng), BOD5, COD (nhu cầu oxy hóa), N (nitơ)... là rất lớn. Tuy vậy đến nay trên lưu vực sông này mới xây dựng và vận hành duy nhất một nhà máy xử lý nước thải là Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM), công suất 141.000m3/ngày. “Như vậy có chưa tới 20% nước thải sinh hoạt đô thị trên lưu vực được thu gom xử lý, số lượng còn lại thải trực tiếp ra sông rạch” - thạc sĩ Thắng kết luận.

 

Trên lưu vực sông Sài Gòn có đến 49 khu công nghiệp - khu chế xuất nhưng chỉ 21 khu công nghiệp - khu chế xuất có trạm xử lý nước thải. Nhưng chất lượng nước thải sau xử lý của một số khu công nghiệp - khu chế xuất cũng không đạt tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, sông Sài Gòn còn hứng chịu nhiều chất gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ và chăn nuôi với lưu lượng thải gần 65.000m3/ngày, trong đó có nhiều ngành nghề gây ô nhiễm cao như thuộc da, hóa chất, mủ cao su... Chính vì vậy theo GS-TS Lâm Minh Triết, các chỉ tiêu về ô nhiễm trên sông Sài Gòn thời gian gần đây tăng rất nhanh, vượt tiêu chuẩn nhiều lần so với quy định, đặc biệt là trên địa bàn TP.HCM.

 

Tình hình ô nhiễm sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng không khả quan hơn. Ông Trần Thanh Quang, chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh rất kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm về môi trường. Cụ thể, chỉ trong năm 2010 đã xử phạt 555 doanh nghiệp vi phạm về môi trường với số tiền 12,6 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên ông Quang nhìn nhận: “Trên địa bàn có hơn 5.000 doanh nghiệp nhưng chưa đến 20% trong số ấy đạt quy chuẩn về môi trường và kết quả quan trắc cho thấy ô nhiễm nước sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương không những chưa được cải thiện mà còn tăng ở một số nơi phát triển mạnh về công nghiệp và đô thị”. Rõ ràng nếu không triển khai các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm ngay từ bây giờ thì cái chết của sông Sài Gòn không chỉ đe dọa đến cấp nước mà còn là thảm họa cho các hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường sinh thái.

 

 

 

Công nhân vận hành trạm bơm tại Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: H.T.V.

 

Hơn 1.700 tỉ đồng giải quyết ô nhiễm?

 

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm trên cả lưu vực sông Sài Gòn, theo GS-TS Lâm Minh Triết, cần thiết phải thành lập ngay tiểu ban sông Sài Gòn trực thuộc Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (sông Sài Gòn thuộc hệ thống sông Đồng Nai). Tiểu ban này có quyền hạn tương đương cấp tỉnh, có văn phòng làm việc và nhân sự là thành viên UBND các tỉnh và các đại diện như Bộ Tài nguyên - môi trường... Tiểu ban này có quy chế hoạt động và các chức năng như quan trắc, thanh tra...

 

Tuy nhiên, giải pháp trên có đại biểu đồng tình nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại. Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, hiện đã có Ủy ban bảo vệ sông Đồng Nai và đơn vị này hiện nay vẫn chưa hoạt động hiệu quả, nay lại phát sinh thêm tiểu ban bảo vệ sông Sài Gòn thì sẽ gây chồng chéo, khó khăn trong công tác chỉ đạo phối hợp xử lý. Còn theo ông Trần Thanh Quang - chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Dương, việc Ủy ban bảo vệ sông Đồng Nai hoạt động chưa hiệu quả do bộ máy tham mưu quá yếu và tiểu ban sông Sài Gòn có thể đi vào vết xe đổ. Vì vậy thay vì thành lập tiểu ban sông Sài Gòn nên biến đề án bảo vệ sông Sài Gòn thành chương trình liên tịch giữa các tỉnh thành trong lưu vực. Trong đó cần quy định cụ thể công việc các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM cần làm gì trong thời gian sắp tới.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Viện môi trường và tài nguyên Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng chỉ cần kiên quyết thực hiện theo quy định là cải thiện được vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Bởi theo ông Hùng, quy định hiện nay đều nêu rõ nước thải từ các khu dân cư, khu công nghiệp... đều phải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Nhưng công tác kiểm tra, giám sát chưa được làm chặt chẽ, kiên quyết.

 

Ngoài việc thành lập tiểu ban, GS-TS Triết còn đề xuất trong giai đoạn 2011-2015 sẽ triển khai 13 dự án lớn, trong đó sẽ ưu tiên thực hiện các dự án liên quan xử lý ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu dân cư, nạo vét sông rạch, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường... Tổng nguồn vốn để thực hiện các dự án này trên 1.716 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Trần Thanh Quang cho biết tỉnh Bình Dương không cấp phép cho các ngành nghề gây ô nhiễm, đồng thời lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại sáu khu công nghiệp. Đến cuối năm 2011 sẽ gắn thiết bị quan trắc toàn bộ các khu công nghiệp còn lại.

 

Ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, cho rằng đề án bảo vệ sông Sài Gòn là cơ sở để các cấp có thẩm quyền đề ra những chủ trương, chính sách cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên đề án trên cần được tiếp tục hoàn thiện trước khi trình UBND TP.HCM.

 

 

Xử lý mạnh nhưng chất lượng nước vẫn không cải thiện

Ông Trần Thanh Quang cho biết tỉnh đã cụ thể hóa các luật thành các giải pháp khả thi như thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, thành lập đội kiểm tra liên ngành bảo vệ môi trường, ban hành các quy định, kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường, các tiêu chí di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư, quy định chính sách hỗ trợ di dời và thành lập ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Đã có 26 dự án, đề án ưu tiên tập trung xử lý nước thải trên tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng.

Năm 2010 tỉnh đã kiểm tra 938 doanh nghiệp, xử phạt 535 doanh nghiệp vi phạm với số tiền phạt 12,6 tỉ đồng. Bình Dương cũng phối hợp với Tây Ninh giải tỏa các hộ nuôi cá bè trên hồ Dầu Tiếng, xử lý mạnh các trường hợp khai thác cát lậu, đưa hệ thống trạm quan trắc nước thải ở sáu khu công nghiệp và trạm trung tâm vào hoạt động từ tháng 6-2011. Theo ông Quang, Bình Dương cũng từ chối thẳng thừng các hồ sơ xin xây dựng mới nhà máy thuộc các ngành nghề gây ô nhiễm như giấy, xi mạ, dệt nhuộm... Các dự án xử lý nước thải được đưa vào danh mục công trình trọng điểm để ưu tiên trong việc xét duyệt, xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Quang, điều đáng buồn là dù nỗ lực nhưng chất lượng nước sông vẫn không cải thiện mà còn suy giảm nhiều hơn. Kế hoạch, dự án rất nhiều nhưng tiến độ chậm, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp rất kém, có rất nhiều mưu kế đối phó với cơ quan chức năng, hơn 80% xả thải không đạt chuẩn ra môi trường.

HỒNG NHUNG

 

QUANG KHẢI