(Tin Môi Trường) - Trong lễ Vu Lan có rất nhiều nghi thức, điển hình là phóng sinh. Phóng sinh nhằm nuôi dưỡng và khuyến khích lòng từ bi đối với muôn loài. Những người mà ngay cả con vật cũng không nỡ sát hại thì không bao giờ dám sát hại con người .
Phóng sinh giải trừ nghiệp chướng
Ảnh: Trịnh Quốc Huy
Phóng sinh là thấm nhuần đạo lý « mọi chúng sinh đều có quyền được sống bình đẳng, được sống tự do, an lành », nếu tôn trọng quyền được sống, quyền tự do của chúng sinh khác, thì ta cũng được người khác tôn trọng cuộc sống và tự do của mình.
Theo tư tưởng Phật Giáo, ý nghĩa phóng sinh về mặt nhân quả còn giúp tiêu trừ được nghiệp sát đã gây ra trong quá khứ. Vì vậy, người ta còn nói: Phóng sinh là giải trừ nghiệp chướng.
Tuy nhiên, nhiều nơi làm nghi thức phóng sinh chỉ mang tính hình thức, chưa đi sâu vào bản chất của từ bi. Khi cúng phóng sinh thì lại đi đặt hàng với người khác đánh bắt cá, chim để về tiến hành nghi thức phóng sinh. Như thế, tính từ bi không còn nữa, không những không được tăng công đức, không tiêu trừ được nghiệp chướng mà còn khuyến khích hành vi tội lỗi, tòng phạm với nghiệp sát sinh.
Ngày lễ Vu Lan nên cài hoa hồng đỏ hay trắng?
Ảnh: Trịnh Quốc Huy
Ở một số nơi trong ngày lễ Vu Lan, vốn được coi là ngày dành cho cha mẹ. Những người có mẹ cha còn đang sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và sẽ dâng quà báo hiếu cha mẹ trong ngày này. Những người không còn cha mẹ nữa sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa đọc kinh cầu nguyện để linh hồn cha mẹ được an lành, siêu thoát.
Riêng bậc tu hành thì các chư Tăng, ni sẽ cài hoa màu vàng, vì dù họ không có điều kiện chăm sóc cha mẹ hàng ngày nhưng với trí tuệ của mình sẽ hướng dẫn cha mẹ đi theo chánh đạo để sớm trở về cõi an vui vĩnh hằng.
Màu hoa chỉ là quy ước. Còn nghi thức Lễ Vu Lan không chỉ thuần túy tín ngưỡng tôn giáo, mà còn khuyến cáo chúng ta hãy thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu, tưới những giọt nước cam lồ ngọt ngào của lòng từ bi lên những tâm hồn đang khổ đau, phiền não. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Lễ, là nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người là con đại hiếu , bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kì tôn giáo nào. Nó thuộc về điều tốt đẹp vốn có sẵn trong từng trái tim nhân ái của mỗi con người chúng ta.
Người có nhiều tội lỗi cúng bái có linh thiêng?
Ảnh: Trịnh Quốc Huy
Trong ngày lễ Vu Lan, nhiều người phân vân, nếu chót mang nhiều tội lỗi cúng bái có ăn thua gì không? Thực chất, tội lỗi không mang tính chất cố định , mà chỉ do hành vi tạo tác trong một hoàn cảnh nào đó, nó vốn không bản chất . Tâm hiếu thảo từ bi mới là tâm dài lâu bền vững. Tâm tội lỗi cũng như bụi bẩn, như rác nhơ trong căn nhà, Khi ta quét rác, quét bụi bẩn ấy đi thì căn phòng tự nhiên sạch sẽ, thanh tịnh.
Nhà Phật có câu “Bể oán mênh mông, quay lại là thấy bờ”. Nhân lễ Vu Lan, chúng ta nên dành thời gian nhìn nhận lại cuộc sống gia đình và nội tâm của mình, nếu đã từng làm cha mẹ buồn lòng, phạm vào điều bất hiếu thì hãy thành tâm sám hối.
Như Mục Kiền Liên được thế gian tôn thờ là 1 tấm gương của bậc đại hiếu, nhưng thực ra từ kiếp xa xưa Ngài đã từng là một đứa con đại bất hiếu với cha mẹ mình, thậm chí đẩy cha mẹ mình vào rừng sâu hoang vắng để chạy trốn trách nhiệm nuôi dưỡng khi cha mẹ già yếu, mù lòa. Nhưng nhờ sự giác ngộ, biết ăn năn sám hối, Mục Kiền Liên đã trở thành huyền thoại vĩ đại về một vị bồ tát đại hiếu thảo.
Rằm tháng 7 là rằm đặc biệt trong năm và trong suốt tháng 7 nhiều người đặt ra nhiều kiêng kỵ vì tháng đó là tháng không may mắn nhưng theo luật nhân quả, nếu làm điều tốt đẹp thì bất kể ngày nào cũng là ngày tốt. Nhưng nếu ta chọn ngày tốt mà gieo Nhân xấu ác thì hậu Quả cũng không thể tốt lành. Bởi vậy, không nên quá câu nệ ngày tốt ngày xấu, mà điều chủ yếu là ta làm việc tốt hay xấu mà thôi.
Ngày "tốt " làm điều xấu, ngày đó thành ngày xấu. Ngày "xấu" làm điều thiện, ngày đó thành ngày tốt. Do vậy cũng không nên quá thành kiến về ngày rằm tháng 7 và tháng cô hồn .
TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA)