(Tin Môi Trường) - Hôm nay bước sang tháng 7 âm lịch. Người Việt truyền tai nhau những điều cần kiêng cữ trong tháng 7 'cô hồn' vì tin rằng mọi chuyện khởi đầu trong tháng này đều xui rủi, mang lại cái kết không mấy tốt đẹp. Vậy kiêng cữ thế nào mới đúng?
Người dân TP.HCM cúng cô hồn dịp Rằm tháng 7- ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Hôm nay 19.8.2020, cũng là ngày mùng 1 tháng 7 Âm lịch - ngày mở đầu cho tháng "cô hồn" với nhiều điều được lưu truyền trong dân gian, đặc biệt là chuyện ma quỷ, âm khí, xui rủi, cũng như những điều cần kiêng cữ trong làm ăn, cuộc sống.
Ông Hoàng Triệu Hải - Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương đã có cuộc trao đổi để tìm hiểu thực hư của vấn đề này như thế nào và phải kiêng cữ thế nào mới đúng.
Vì sao gọi tháng "cô hồn"?
Người Việt thường gọi tháng 7 Âm lịch là tháng "cô hồn" và ngày Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày lễ Xá tội vong nhân. Theo các câu chuyện được truyền tai nhau, người ta cho rằng tháng 7 Âm lịch đen đủi do cửa địa ngục mở và hồn ma tự do lên trần gian quấy nhiễu cho nên không biết từ khi nào, người ta kiêng tất cả mọi thứ: từ buôn bán kinh doanh, ký kết hợp đồng, nhập trạch, mua bán mà thậm chí là cả đi bệnh viện vì sợ nhiều ma bắt xuống địa ngục.
Điều này xuất phát từ việc người xưa cho rằng: Ngày Rằm tháng 7 hằng năm thì mọi tội nhân cõi âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi âm phủ lên dương gian.
Bởi vậy, các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn, vàng mã cúng gia tiên, cầu siêu độ trì cho họ. Ngoài cúng gia tiên ngày ''Xá tội vong nhân'', mọi nhà còn bầy lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà để cúng cô hồn, ma đói là những vong linh ''không nơi nương tựa''.
Lý giải tháng 7 nhiều âm khí?
Phong tục tập quán văn hóa truyền thống thường sẽ gắn liền với truyền thuyết mang tính tâm linh. Trong phần bàn luận dưới đây, chúng ta tạm gác qua một bên vấn đề tâm linh và các câu chuyện về vong, cũng như địa ngục bởi có những người tin và có những người không tin.
Nhưng dưới góc nhìn từ bộ môn Lý học , Âm Dương ngũ hành tức là bộ môn nghiên cứu từ cổ xưa về các vấn đề tương tác của vũ trụ và trái đất lên cuộc sống của con người thì tháng 7 âm lịch hoàn toàn không liên quan tới vong, ma và thế giới của những người đã khuất.
Tháng 7 âm lịch là khoảng thời gian vị trí của Trái Đất khi quay theo quỹ đạo quanh Mặt Trời ở vị trí gần xa nhất nhưng ngày lễ, tết của chúng ta lại dựa vào nền tảng của Lý học, tức là hệ thống lịch Can chi.
Tháng 7 âm lịch chính là tháng thứ chín, tính từ tháng Một (người Việt xưa tính đầu năm là vào tháng 11 âm lịch). Vì thế theo chu kỳ Cửu cung, tháng 7 là lệnh tinh nhập trung cung Hà Đồ, tương ứng với độ số 10 của Thiên Can Quý thuộc thủy.
Người dân chen nhau giật "cô hồn" -ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tháng này có Thiên can là Âm Thủy và thiên can Quý đang quản trung cung, do vậy theo Lý học Việt thì tháng này âm khí rất vượng. Thiên Can là hình tượng mô tả quy luật tương tác từ bên ngoài tới Trái Đất và ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy tháng này có thời tiết phổ biến là mưa gió, lũ lụt... làm không khí ẩm ướt. Tháng 7 âm khí cực vượng vào ngày 15 thì được coi là khí âm thoát lên từ lòng đất mà xưa kia người ta cho rằng cái gì thuộc về âm tức là cõi âm là ma quỷ.
Chính từ đó, dân gian cho rằng đây chính là tháng của vong hồn lên ngao du cõi dương từ góc nhìn thần thánh, ma quỷ, vong hồn. Nhưng cũng chính từ sự nhân văn trong dòng máu Việt tộc, uống nước nhớ nguồn mà biến ngày Rằm –ngày cực thịnh của âm khí hay chính là ngày Mặt Trăng tác động lớn nhất lên Trái Đất trở thành ngày Tết – nhớ về tổ tiên ông bà và những người đã khuất. Phong tục tập quán nhằm lưu giữ các giá trị cốt lõi cho việc kiêng cữ khi chu kỳ Thiên Can kết thúc nhằm tránh đi những tác động xấu khi âm khí quá vượng (mạnh).
Kiêng cữ thế nào cho khoa học?
Nguyên tắc chính là cân bằng Âm - Dương, bởi theo phong tục sẽ là đốt vàng mã tức dùng lửa (dương) để cân bằng khí âm. Đây cũng là cách mà một số cửa hàng kinh doanh ở Phố cổ Hội An thường đốt gỗ thơm mỗi buổi sáng khi mở cửa hàng.
Sở dĩ như vậy là do qua một đêm khí âm sẽ vượng lên, người ta đốt vào buổi sáng khi mở cửa hàng để cân bằng lại Âm - Dương trong cửa hàng. Tháng 7 âm lịch, chúng ta nên sử dụng các loại đèn ánh sáng vàng, các loại nến hay đèn xông tinh dầu...
Trong giai đoạn mưa nhiều độ ẩm cao, dễ làm con người trở nên khó chịu và đó chính là lý do chúng ta luôn cảm thấy bất an và mệt mỏi. Vậy nên quần áo màu sặc sỡ, màu nóng và những thứ tượng trưng cho Dương khí sẽ là một cách nhằm cân bằng lại Âm - Dương, chính là việc chúng ta nên làm chứ không phải lựa chọn cách “kiêng cữ” tất cả mọi thứ.
Cảnh thường thấy trên đường phố TP.HCM dịp Rằm tháng 7 -ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tháng 7 âm lịch, chúng ta chủ yếu cần kiêng tránh động thổ hay cất mái bởi khi động thổ xây nhà sẽ làm Âm - Dương mất cân bằng dẫn tới nhiều tác động xấu tới người động thổ. Trường hợp đang xây dựng thì có thể tiếp tục các công việc đang làm mà không cần kiêng cữ tới mức dừng hết các công việc.
Đối với công việc kinh doanh, mua bán hoàn toàn không cần kiêng cữ hay né tránh bởi các hoạt động này hoàn toàn không liên quan tới tháng 7 âm lịch. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các công việc quan trọng trong tháng 7 âm lịch vào các ngày tốt, bởi đó là những ngày có được các tương tác tốt từ bên ngoài vũ trụ lên Trái Đất và con người.
Khi hiểu đúng về văn hóa truyền thống và nông lịch cũng như hiểu về tên gọi tháng 7 "cô hồn", chúng ta sẽ thấy giá trị của nó trong cuộc sống và vì sao chúng ta phải nỗ lực để giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ sau.