(Tin Môi Trường) - Sau phí chống ngập 3.668 đồng tính trên mét vuông, TP HCM hôm qua vừa đề xuất phí dịch vụ thoát nước với mức 1.430 đồng tính trên mét khối. Bên cạnh 26.000 tỉ đã đổ ra, cũng để chống ngập.
26.000 tỉ đã được chi cho công tác chống ngập từ 2016-2020, và TP tiếp tục muốn thu phí chồng ngập, phí thoát nước để... chống ngập. Ảnh: Ngập lụt tràn cả đến trung tâm Q1/ Minh Quân/LĐO
“Phải đổi tên phí đường bộ thành... đường thuỷ” - Cách nói hài hước - nhưng đầy mỉa mai của dân khi mấy hôm trước, trận mưa lớn biến TP HCM thành một biển nước, còn người dân thì đi lại bằng cách dập dềnh theo... sóng.
Sự bức xúc trở nên cao trào khi báo cáo của Phòng Hạ tầng thoát nước, đơn vị thuộc Sở Xây dựng TP sau đó chỉ xác nhận 38 điểm ngập với “điểm ngập sâu nhất được ghi nhận là tuyến đường Quốc Hương, ngập 35cm; 6 điểm ngập đến 30cm; những điểm còn lại chỉ ngập từ 10-25cm...”.
Báo cáo ấy đúng, hay gian dối thì dân là biết nhất.
Giữa mức ngập “nước đến bụng, đến ngực” ngoài đời sống được đo bằng sự khốn khổ của dân và những con số 30-35cm trong báo cáo có một khoảng cách. Và khoảng cách ấy cho biết hiệu quả của tiền bạc chống ngập, hàng chục ngàn tỉ được đổ xuống để cuối cùng, từ nhiều điểm ngập, cả thành phố chỉ còn một điểm ngập là ngập toàn thành phố.
Tiền chống ngập nhiều lắm. Từ năm 2008 - 2018, 22.948 tỉ đồng đã được đổ... xuống nước. Năm 2019, 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng đã được triển khai. Và kết quả là ngập sâu nhất 35cm trong báo cáo, ngập tới bụng, tới ngực dân - ngoài thực tế.
Cần phải mở ngoặc, chính giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hoà Bình, trước Hội đồng nhân dân TP xác nhận: Dự án chống ngập 10.000 tỉ, lấy lượng mưa 95mm và độ cao đỉnh triều là 1,35m, hiện đã lạc hậu so với thực tế.
Bản chất của ngàn tỉ ngàn tỉ chống ngập là xây dựng các hệ thống thoát nước.
Cho nên, hôm qua, dân đúng là sững sờ khi Sở Xây dựng TP đề xuất phí dịch vụ thoát nước với mức 1.430 đồng/m3 để “phát triển hệ thống thoát nước”.
Phải mở ngoặc tiếp, hồi tháng 6, phương án giá dịch vụ chống ngập cũng đã được xây dựng. Cụ thể, mức giá dịch vụ chống là 3.668 đồng/m2/tháng.
3.668 đồng, tính trên mét vuông... để chống ngập.
1.430 đồng, tính trên mét khối, để... phát triển hệ thống thoát nước.
26.000 tỉ tiền chống ngập giai đoạn 2016-2020.
Vậy là dân vừa đóng tiền theo m2 chống ngập, vừa đóng phí theo m3 phát triển hệ thống thoát nước chống ngập, vừa đóng thuế, không trượt xu nào, để có tiền cho các đề án chống ngập.
Và kết quả: 35cm trong báo cáo, ngập tới bụng, tới ngực ngoài thực tế.
Ngập lụt không phải là do thiếu tiền. Bao nhiêu loại phí, bao nhiêu đề án, bao nhiêu tiền tiếp tục đổ xuống cũng sẽ vô nghĩa nếu mức độ ngập lụt trên báo cáo và ngoài thực tế vẫn là “ngang đầu gối” và “đến ngang lưng”.
Ngập lụt là do cách dùng tiền, và vì thế, chống ngập bằng cách đẻ ra những loại phí, cái nọ chồng lên cái kia chẳng khác gì cưỡng từ đoạt lý cứ nhằm vào dân mà thu!.