Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hàng trăm con chim giang sen quý hiếm về thượng nguồn hồ Trị An

(16:44:49 PM 08/08/2020)
(Tin Môi Trường) - Ngày 8-8, ông Nguyễn Hoàng Hảo - phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, xác nhận đàn chim giang sen quý hiếm kéo đến kiếm ăn tại khu vực hồ Trị An.

Hàng trăm con chim giang sen quý hiếm về thượng nguồn hồ Trị An

Chim giang sen quý hiếm kiếm ăn ven lòng hồ Trị An - Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai

 
Theo ông Hảo, chim giang sen thường kéo về hồ Trị An (trực thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai quản lý) kiếm ăn khi nước hồ rút xuống thấp, song năm nay bầy chim về đông nhất.
 
Cụ thể, đàn chim có số lượng lên đến hàng trăm con đã xuất hiện khoảng một tháng nay, phân bố khắp nơi trong khu vực lòng hồ Trị An rộng hơn 32.000ha. Tuy nhiên, theo quan sát, đàn chim quý tập trung chủ yếu ở khu vực thượng nguồn hồ Trị An là xã La Ngà và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).
 
"Sau khi nước hồ rút, khu vực này xuất hiện các vũng nước đọng chứa nhiều tôm cá nhỏ, đây là món ăn ưa thích thu hút loài chim giang sen đến kiếm ăn" - ông Hảo cho biết.
 
Cũng theo ông Hảo, giang sen là một loại chim quý hiếm cần được bảo tồn. Giống như các loài chim nước khác, khi hồ Trị An tích nước, thức ăn không còn nhiều thì đàn chim này sẽ kéo đi nơi khác kiếm ăn.
 
Giang sen thuộc họ Hạc, tên khoa học là Mycteria leucocephala. Loài này được xếp nhóm loài bị đe dọa tuyệt chủng trên thế giới, phân bố nhiều ở các vùng đất ngập nước của các đồng bằng châu Á nhiệt đới phía nam Hymalaya ở Nam Á sang Đông Nam Á. Chim giang sen trưởng thành sải cánh lên tới 1,7m, mỏ lớn màu vàng cam và chóp lông đuôi màu hồng cánh sen.
 
Chim giang sen kiếm ăn theo bầy ở các vùng nước nông dọc theo sông hồ, làm tổ theo đàn trên cây, thường cùng với các loài thủy cầm khác. Chúng không di cư, thường di chuyển cự ly ngắn ở một số khu vực trong phạm vi phân bố để tìm kiếm thức ăn và sinh sản.
(T.T)