(Tin Môi Trường) - Ngày 24/7/2020, tại Thành phố Kon Tum, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Tổ chức Fauna & Flora International (FFI) và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển sinh kế bền vững” với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tại rừng Kon Plông một cách hiệu quả, hài hòa hóa giữa bảo tồn và phát triển sinh kế ở địa phương.
Tới dự và chỉ đạo hội thảo có Ông Phạm Xuân Khanh – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, Tiến sỹ Hà Thăng Long – Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm GreenViet, Ông Josh Kempinski – Giám đốc quốc gia, FFI tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, Viện điều tra quy hoạch rừng, UBND tỉnh Kon Tum, các Sở, Ban ngành trong tỉnh, các Trung tâm, Viện nghiên cứu, đại diện các khu bảo tồn, vườn quốc gia trong khu vực Tây Nguyên, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tại Kon Tum.
Huyện Kon Plông là huyện vùng cao của tỉnh Kon Tum với hơn 85% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, nằm trong nhóm các huyện nghèo của cả nước. Vùng rừng tại huyện Kon Plông có độ che phủ vào khoảng 80% diện tích tự nhiên, xếp vào nhóm những khu vực có độ che phủ rừng tự nhiên cao nhất trên toàn quốc.
Ông Josh Kempinski - đại diện Tổ chức FFI chia sẻ về thực tiễn bảo tồn đa dạng sinh học tại Kon Plông và những khó khăn thách thức đang gặp phải trong công tác bảo tồn, đồng thời nhấn mạnh về sự cần thiết thành lập khu bảo tồn và những cam kết từ nhà tài trợ.
Từ năm 2016 đến nay, các cuộc điều tra chuyên sâu của Tổ chức FFI cho thấy rừng Kon Plông có giá trị đa dạng sinh học vô cùng lớn với nhiều loài động vật quý hiếm, bao gồm quần thể khoảng 500 cá thể loài Chà vá chân xám hiện được xếp hạng Cực kỳ nguy cấp trong danh lục đỏ thế giới (IUCN), ít nhất 100 cá thể loài Vượn đen má vàng Trung bộ cùng nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp khác như và Cầy vằn, Cu li nhỏ, Gấu ngựa, Rái cá hay các loài chim đặc hữu của Việt Nam và khu vực như Khướu Kon Ka Kinh, Khướu Ngọc Linh. Có thể nói, vùng rừng Kon Plông xứng đáng được xem là một trong những khu rừng có giá trị bảo tồn lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã tại Kon Plông ngày càng bị phân mảnh, suy giảm chất lượng do tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương rẫy và các hoạt động xây dựng khác vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, trở thành mối đe dọa lớn nhất cho đa dạng sinh học ở Kon Plông.
Định hướng phát triển kinh tế xã hội gắn với quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên của huyện Kon Plông nhấn mạnh “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững là hướng đi tất yếu để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, phát triển mà vẫn giữ được khu rừng nguyên sinh quý giá còn lại của
Việt Nam. Chỉ khi cuộc sống người dân địa phương được đảm bảo và bền vững, các hoạt động bảo tồn mới đạt được hiệu quả cao nhất, đem lại nguồn lợi cho người dân cũng như đa dạng sinh học nói chung.
Hội thảo có sự tham vấn từ các sở ban ngành địa phương về những giải pháp tối ưu giúp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế địa ; kinh nghiệm từ các khu bảo tồn, vườn quốc gia trong khu vực Tây Nguyên như bài học kinh nghiệm thành lập Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Sao la, tỉnh Quảng Nam. Nhiều ý kiến thảo luận từ các đơn vị có liên quan đã được đưa ra giúp xây dựng kế hoạch bảo tồn tổng thể mang tính thực tế và bền vững cho rừng Kon Plông, hướng tới đề xuất thành lập khu bảo tồn.
Hy vọng sau hội thảo chất lượng và ý nghĩa này, hoạt động bảo tồn tại Kon Plông sẽ song hành với phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống và nhận được sự ủng hộ từ người dân địa phương, từ đó tiến tới mục tiêu thành lập khu bảo tồn. Một ương lai bền vững cho cộng đồng gắn liền với các giá trị đa dạng sinh học được bảo tồn hiệu quả sẽ không còn xa.