Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sai phạm đất đai tại Lâm Đồng: Kiến nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh

(09:25:21 AM 02/07/2020)
(Tin Môi Trường) - Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 3 dự án, kiểm điểm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và chủ tịch UBND các huyện, thành phố liên quan.

 

Sai phạm đất đai tại Lâm Đồng: Kiến nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh

Công ty TNHH Hoàn Cầu được thuê Dinh I không qua đấu giá và đổi tên khu dinh thự cổ thành King Palace - Ảnh: M.VINH
 
Kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn có hàng loạt sai phạm.
 
Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm
 
Cụ thể, có hai dự án quy hoạch sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch xây dựng được Thủ tướng phê duyệt là khu nhà trưng bày sản phẩm ôtô và kinh doanh dịch vụ ôtô do Công ty CP Toyota Nha Trang xây dựng tại quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt; Trung tâm Thương mại và dịch vụ giải trí do Công ty CP đầu tư Phong Vân làm chủ đầu tư tại 37 Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt.
 
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn cho 4 doanh nghiệp (DN) thuê đất không phù hợp với quy hoạch gồm: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng thuê đất nông nghiệp tại phường 5 và phường 7, TP Đà Lạt để xây dựng bể chứa nước. Công ty CP đầu tư công nghệ giải trí Én Việt thuê đất di tích danh lam thắng cảnh để sản xuất phi nông nghiệp. Công ty CP điện Bình Thủy Lâm Đồng thuê đất nông nghiệp để xây dựng thủy điện Đại Bình. Tổng công ty Điện lực miền Nam thuê đất lâm nghiệp xây dựng móng trụ điện.
 
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện 6 trường hợp thuê đất tại TP Đà Lạt không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trái với quy định của Luật đất đai. 
 
Đó là các dự án: Điểm du lịch tham quan, dã ngoại rộng 50.000m2 của Công ty TNHH Thuận Thuận Đà Lạt. Điểm du lịch tham quan dã ngoại thác Bảo Đại rộng hơn 46.600m2 của DN tư nhân Phong Phú Lâm Đồng. Dự án trồng sâm Ngọc Linh rộng 459.000m2 của Công ty CP đầu tư phát triển Hữu Phú. Dự án trung tâm thương mại Nguyễn Kim Đà Lạt rộng 1.929m2 của Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Nguyễn Kim. Dự án đầu tư điểm du lịch sinh thái K’Lan rộng 2.923.000m2 của Công ty TNHH xây dựng giao thông Tiến Lợi. Cuối cùng là dự án đầu tư nuôi cá nước lạnh rộng 28.700m2 của DN tư nhân Bé Lớn.
 
Thanh tra Chính phủ kết luận những vi phạm trên thuộc trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phó chủ tịch tỉnh phụ trách về đất đai và những người liên quan.

Thu hồi 3 dự án
 
Trước những sai phạm đất đai tại Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư. 
 
Một là dự án vườn ươm do Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê tại phường 7, TP Đà Lạt với diện tích gần 50.000m2. Bởi theo cơ quan thanh tra, trong nhiều năm qua chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án, chưa làm thủ tục điều chỉnh tên công ty sau khi cổ phần hóa, chưa điều chỉnh tên hợp đồng thuê đất đã ký, chậm triển khai dự án do vướng khiếu nại của người dân.
 
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị thu hồi dự án khu du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp King Palace do Công ty TNHH Hoàn Cầu đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho công ty này thuê nhà, đất Dinh I để đầu tư khu du lịch khi không có trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 là vi phạm quy định Luật đất đai 2013. Việc cho thuê nhà đất Dinh I và các biệt thự trên khuôn viên 1,86ha không thông qua đấu giá là vi phạm nghị định 52 năm 2009 của Chính phủ.
 
Tại dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng do Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cũng phát hiện hàng loạt sai phạm và đề nghị thu hồi dự án. Dự án này có diện tích sử dụng đất khoảng 3.595ha tại 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng. 
 
Năm 2012, tỉnh Lâm Đồng có quyết định cho phép công ty này chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án kể trên, với tổng diện tích đất chuyển mục đích hơn 323ha. Tổng số tiền sử dụng đất phải nộp hơn 226 tỉ đồng. Sau khi miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất còn phải nộp hơn 158 tỉ đồng.
 
Tuy nhiên sau đó, công ty trên không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, không nộp số tiền sử dụng đất hơn 158 tỉ đồng. Tính đến tháng 10-2018, tiền phạt chậm nộp của dự án khoảng 104 tỉ đồng. Đồng thời, công ty còn nợ đọng số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng hơn 6,6 tỉ đồng.
 
Thế nhưng đến tháng 10-2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định số 2020 điều chỉnh quyết định số 293 năm 2012. Trong quyết định mới có nội dung chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích hơn 166ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012. Theo đó, diện tích đất ở đã được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và công ty không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với số tiền hơn 262 tỉ đồng, bao gồm cả tiền phạt chậm nộp.
 
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc UBND tỉnh không quyết định thu hồi đất là chưa thực hiện đúng theo quy định Luật đất đai 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm nêu trên thuộc chủ tịch UBND tỉnh, phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Kế hoạch và đầu tư, cục trưởng Cục Thuế.
 
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kiểm tra, thẩm định lại giá cho thuê đất các dự án trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí của Công ty CP đầu tư Phong Vân, dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại số 1 Hùng Vương (TP Đà Lạt), khu trưng bày sản phẩm kinh doanh dịch vụ ôtô tại quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt...
Xử lý dứt điểm việc Công ty Cadasa thuê đất không trả tiền
 
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu xử lý dứt điểm việc thu hồi 13 biệt thự do Công ty đào tạo nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin Cadasa (tại số 16 Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt) thuê và tiến hành thu hồi ngay các khoản tiền Công ty Cadasa còn nợ, nộp ngân sách nhà nước. Trong trường hợp công ty cố tình dây dưa, kéo dài, không chấp hành, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật hiện hành.
 
Trước đó, công ty này được UBND tỉnh cho thuê 13 biệt thự vào năm 2005. Nhưng thời gian thuê năm 2005-2015, Công ty Cadasa thực hiện nghĩa vụ tài chính không đầy đủ với số tiền còn nợ hơn 53,6 tỉ đồng. Ngoài khoản nợ này, từ 2016 đến nay công ty chưa trả lại nhà đất cho thuê, vẫn sử dụng nhà đất vào kinh doanh nhưng không kê khai, nộp tiền thuê đất.
 
Năm 2017, UBND tỉnh có văn bản thu hồi các biệt thự, không cho công ty thuê tiếp. Sau khi bị thu hồi, Công ty Cadasa khiếu nại, làm đơn kiện UBND tỉnh và tòa án đã tuyên hủy quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh. Hiện nay, Sở Tài chính đang khởi kiện Công ty Cadasa yêu cầu nộp tiền thuê đất, bàn giao lại biệt thự nhưng tòa án chưa đưa vụ việc ra xét xử.
(B.NGỌC - T.HOÀNG/TTO)