(Tin Môi Trường) - Nhiệt độ tại Hà Nội đo ngoài trời lên tới 60 độ C là do hiện tượng đảo nhiệt. Bề mặt bê tông, đường nhựa... hấp thụ và tỏa nhiệt lớn, khiến môi trường đô thị luôn có nhiệt độ cao.
Các bề mặt bê tông, đường nhựa... toả nhiệt lớn khiến nhiệt độ đo tại đây luôn cao- ẢNH PHẠM HÙNG
Liên quan đến thông tin nhiệt độ ngoài đường phố Hà Nội trưa 23.6 lên tới gần 60 độ C, chiều nay, 24.6, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đã giải thích về hiện tượng này.
Theo đó, tất cả các đô thị lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng của hiện tượng đảo nhiệt trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, khi một lượng lớn cây xanh và hồ điều hòa đã được thay thế bằng các khối, nền bê tông, cốt thép, các cung đường trải nhựa… Các bề mặt này hấp thụ và toả nhiệt lớn, dẫn đến nhiệt độ đo ở gần các bề mặt này cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ không khí.
Ông Hưởng nhấn mạnh, theo tiêu chuẩn đo lường quốc tế về khí tượng, nhiệt độ đo đạc trên toàn cầu đều phải thực hiện đúng quy chuẩn. Đó là đo nhiệt độ không khí trong lều khí tượng, điểm đo có độ cao 2 m so với mặt đất. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, ngành khí tượng không thực hiện đo nhiệt độ trên các bề mặt khác nhau.
Cũng theo ông Hưởng, để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giải pháp cho khu vực đô thị là cần có nhiều cây xanh và tăng các hồ điều hòa.
Trước đó, trưa 23.6, nhiều diễn đàn mạng xã hội chia sẻ hình ảnh người dân sử dụng nhiệt kế cầm tay đo nhiệt độ gần mặt đường bê tông tại Hà Nội. Kết quả khiến nhiều người choáng váng khi nhiệt độ xấp xỉ 60 độ C.
Nhiệt độ ở Hà Nội cao nhất 40,2 độ C
Thông tin về đợt nắng nóng đang diễn ra, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, tại các tỉnh Bắc bộ nắng nóng xuất hiện từ ngày 18.6 nhưng đến ngày 21.6 thì mở rộng ra toàn khu vực Bắc bộ.
Từ ngày 22 - 24.6, nhiệt độ cao nhất tại Bắc bộ phổ biến từ 36 - 39 độ C. Đặc biệt, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như Láng (Hà Nội) 40,2 độ C; Phủ Lý (Hà Nam) 39,9 độ C.
Ở Trung bộ, nắng nóng bắt đầu từ ngày 16.6 đến ngày 18.6 thì xảy ra trên diện rộng. Nắng nóng gay gắt xuất hiện liên tục từ ngày 21.6 tới nay với mức nhiệt cao nhất trong ngày phổ biến từ 37 - 40 độ C, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như Đô Lương (Nghệ An) với 41,2 độ C; Hương Khê (Hà Tĩnh) với 41,1 độ C.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ sẽ có nắng nóng đến hết tháng 6, sau đó giảm dần. Đợt nắng nóng này ở Bắc bộ và Trung bộ dự báo kết thúc trong khoảng ngày 2 - 3.7. Riêng tại Trung bộ, nắng nóng sau đó chỉ diễn ra cục bộ với cường độ không quá gay gắt.