(Tin Môi Trường) - Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM vừa có buổi khảo sát việc thực hiện đề án "Sữa học đường" trên địa bàn thành phố.
Bà Phạm Ngọc Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Việt (Q.9, TP.HCM), trình bày những khó khăn về chương trình “Sữa học đường” - Ảnh: A.HUY
Tại buổi khảo sát, một số trường học ở Q.9 nêu chuyện nan giải là học sinh nghèo vẫn không đủ điều kiện để uống sữa miễn phí. Hiệu trưởng các trường này mong muốn có giải pháp để sữa đến tay trò nghèo.
Đề án "Sữa học đường" được UBND TP.HCM triển khai từ đầu tháng 11 và tiếp tục thực hiện đến hết học kỳ 2 năm học 2019-2020 ở 10 quận, huyện gồm: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em.
Đối tượng đề án là trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 tại các trường công lập, ngoài công lập và trẻ em học tại lớp mẫu giáo tư thục ở TP. Các em sẽ được uống một hộp sữa dung tích 180ml/lần/ngày với 5 lần/tuần trong suốt năm học.
Học sinh tham gia chương trình theo đăng ký tự nguyện của phụ huynh với 50% mức phí, ngân sách TP hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp 20%. Đặc biệt, trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội tham gia đề án sẽ được ngân sách TP hỗ trợ 50% phí và doanh nghiệp 50%. Nghĩa là các em này sẽ được uống sữa hoàn toàn miễn phí.
Tuy nhiên, để uống được sữa miễn phí, các em hộ nghèo, cận nghèo phải có sổ xác nhận hộ nghèo.
Phụ huynh có con em trong diện nghèo học ở các trường lại là dân các tỉnh đến thành phố, tạm trú, di chuyển nơi ở thường xuyên vì phụ thuộc vào nơi nhà máy, xí nghiệp làm việc. Cô Lê Thị Ngọc Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Trường Thạnh (Q.9) - nhiều lần nhấn mạnh ý kiến của mình trong buổi khảo sát: "Tôi biết đó là học sinh thật sự nghèo, tiền ăn bán trú hằng tháng năm học trước vẫn còn nợ nhà trường, nhưng không có cách nào để các em được uống sữa như bạn bè".
Mục đích của đề án là nâng cao tầm vóc, cải thiện dinh dưỡng của trẻ em mầm non và học sinh tiểu học, đặc biệt là trẻ em nghèo. Vậy câu chuyện thường trú, tạm trú hay không tạm trú phải chăng đó là một sự bất cập, cứng nhắc của đề án?
Những hộp sữa nhỏ về giá trị vật chất nhưng tác động tinh thần rất lớn. Mặc cảm, tâm lý tự ti về bản thân, gia đình, so sánh lẫn nhau giữa em được uống sữa và em nghèo không được uống sữa, đâu đó sẽ xảy ra.
Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm là người sâu sát tình hình, biết rõ học trò của mình nghèo, biết phụ huynh các em nợ tiền ăn bán trú năm này qua năm kia, nhưng quyết định cho các em tham gia uống sữa miễn phí lại ngoài tầm với.
Giá như có sự linh hoạt trong đề án dành cho những em không thể chứng minh mình nghèo có thể uống sữa miễn phí. Có như vậy, đề án "Sữa học đường" mới mang lại đầy đủ ý nghĩa như đã đề ra.
Sẽ ngồi lại với các trường để tính toán
Ông Nguyễn Ngọc Cường - phó chủ tịch UBND Q.9 - cho rằng triển khai chương trình "Sữa học đường" không đơn giản, nhất là thời gian đầu.
Ông nói: "Giữa công tác tuyên truyền và con số thực tế chênh nhau nhiều. Khi tuyên truyền, mình không biết nhà thầu cung cấp sữa là ai. Trường công lập tham gia nhiều hơn tư thục, dân lập. Chương trình thực tế chỉ thực hiện được hai tháng, bị ngắt nhịp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Những khó khăn đề ra, chúng tôi sẽ ngồi lại với các trường để tính toán".