Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Tỉnh Phú Yên cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa
(22:57:11 PM 19/06/2020)
(Tin Môi Trường) - Ngày 18/062020, tỉnh Phú Yên chính thức cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa nhằm giảm thiểu và tiến tới loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa (RTN), với mục tiêu giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025.
Tại Hội thảo Định hướng Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra chiều ngày hôm nay, ông Tạ Đình Thi - Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và ông Nguyễn Chí Hiến – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã cùng ký xác nhận vào Bản Tuyên bố Tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên), và công bố bản dự thảo Kế hoạch hành động để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa trên địa bàn toàn tỉnh. Hội nghị cũng đã nêu lên thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các giải pháp thiết thực, hiệu quả, đồng bộ đã được đưa ra để góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý.
Thuộc tuyến đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác nhựa đại dương, tỉnh Phú Yên cũng như các thành phố và khu vực ven biển khác hiện đang gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ việc quản lý RTN chưa hiệu quả. Sự phát triển kinh tế xã hội những năm gần đây đã làm tăng nhu cầu về hàng hóa, nguyên liệu thô và năng lượng trên địa bàn tỉnh. Lượng chất thải rắn thu gom tăng trung bình 10-16% mỗi năm (theo Lê Hoàng Anh và cộng sự, 2018). Chỉ tính riêng tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Tuy Hòa đã lên tới khoảng 132 tấn/ngày, tại thị xã Sông cầu là khoảng 84 tấn/ngày, và các huyện còn lại khoảng 308 tấn/ngày. Trong khi đó, theo một khảo sát của WWF ở thành phố Tuy Hoà năm 2019, RTN chiếm 18,31% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều nhất là túi nhựa và ly nhựa, ống hút nhựa chiếm đến 60% lượng RTN. Hầu hết trong đó là nhựa có chất lượng kém, rất khó phân hủy và không thể tái chế (chiếm khoảng 80%).
Với định hướng triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 theo Quyết định số 491/QĐ-TTg 07/05/2018 và 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, và từ những bài học và kinh nghiệm trên thế giới, tỉnh Phú Yên đã xây dựng bản dự thảo kế hoạch hành động và các giải pháp thông minh và phù hợp với địa phương. Theo ông Hiến cho biết: “Bản dự thảo kế hoạch hành động được tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ chính: truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và giáo dục trẻ em; thực hiện thí điểm mô hình giảm thiểu RTN bao gồm thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn, RTN; xây dựng cơ chế phối hợp với các bên liên quan nhằm giám sát, kiểm soát ô nhiễm RTN; nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý chất thải rắn, RTN; và hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học”.
Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm RTN không thể được giải quyết nếu thiếu sự quyết liệt từ góc nhìn chính sách và quy định pháp luật. “Mặc dù có thể nói Việt Nam đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ để quản lý rác thải nói chung. Nhưng vấn đề tổ chức thực hiện giám sát, thanh kiểm tra và kiểm soát vẫn còn nan giải và chưa hiệu quả. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan để tiếp tục phát triển, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật, hướng dẫn dưới Luật và xúc tiến thực hiện các hoạt động được thông qua trong các Kế hoạch hành động quốc gia nói chung, Kế hoạch hành động tại địa phương nói riêng”, ông Thi chia sẻ.
Về phía WWF-Việt Nam, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia, cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh và vui mừng được hợp tác cùng tỉnh Phú Yên trong việc đưa ra các giải pháp giảm thác rác nhựa ở địa phương. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều địa phương khác tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa trong thời gian sắp tới, để có thể tạo nên một phong trào toàn cầu thúc đẩy toàn bộ xã hội cùng hành động để đối phó với ô nhiễm nhựa và giảm sự phát thải nhựa vào thiên nhiên”.