(Tin Môi Trường) - Dự án KĐT lấn biển Cần Giờ ngay từ khi ra đời cách đây 17 năm đã vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên gia do nguy cơ tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án này.
Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TP. HCM) ngay từ khi ra đời cách đây 17 năm đã vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên gia do nguy cơ tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
13 năm thăng trầm…
Sau lễ khởi công hoành tráng, những tưởng dự án sẽ làm đòn bẩy giúp thay đổi cuộc sống của người dân quanh năm chân lấm tay bùn chỉ biết đến đồng ruộng ở đây. Tuy nhiên, qua hơn 13 năm triển khai xây dựng, hiện trạng tại dự án lại trái ngược hoàn toàn với viễn cảnh trước đó mà CTC Corp đã vẽ nên…
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đầu tiên có tên Saigon SunBay được quy hoạch rộng 600 ha tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, nay được điều chỉnh quy mô lên 2.870 ha.
Được biết, từ năm 2000, UBND TPHCM đã giao dự án hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thực hiện, chủ đầu tư trực tiếp là Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ. Tuy nhiên, vì lý do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính nên dự án đình trệ trong nhiều năm.
Đến tháng 6/2015, TP.HCM đồng ý cho Vingroup góp vốn điều lệ tăng thêm chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án. Sau đó, Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ lên 32.561 tỉ đồng.
Đến năm 2016, Vingroup tiếp tục nhận chuyển nhượng cổ phần CTC từ một doanh nghiệp và một số cá nhân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 34,9% lên 97,15%. Tổng giá trị chuyển nhượng là 8.473 tỷ đồng.
Hơn thế, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội cũng cam kết cấp tín dụng dự án, cho vay tối đa là 182.513 tỉ đồng.
Năm 2016, Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ trình UBND TP.HCM Dự án “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2870 ha”.
Ngày 17/4/2017 Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh, bố sung quy hoạch ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh huyện Cần Giờ.
Ngày 5/9/2018, UBND TP.HCM duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha. Ngày 29/11/2018, UBND TP.HCM có tờ trình 5322 về “Chủ trương điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạchh chung xây dựng TP.HCM” trong đó có nội dung “dự kiến mở rộng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ thành 2.870 ha”.
Ngày 28/01/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo tác động môi trường của Dự án “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha” được lập bởi Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ. Ngày 23/3/2019, UBND TP.HCM có văn bản 1049/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, thẩm định và ngày 16/5/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng kiến nghị xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Tổng diện tích 2.870 ha được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với biển hồ nhân tạo 872 ha. Quy mô dân số là 228.506 người và khách du lịch khoảng 8,887 triêu lượt người/năm. Dự kiến sẽ dẫn về dự án 100.000 m3 nước ngọt/ngày đêm; sẽ san lấp với 122 triệu m3 cát; sẽ nạo vét 11 triệu m3 đất bãi triều để làm khu vực biển hồ nhân tạo; sẽ xây dựng 21 km kè bờ biển với 2,5 triệu m3 đá hộc các loại; đưa về 1 triệu m3 cát trắng…
Hiện dự án đang chờ được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030, trình duyệt theo quy định và chỉ khi được duyệt mới được phép triển khai.
Đổi chủ, điều chỉnh mở rộng quy mô dự án
CTC đã kiến nghị xin mở rộng quy mô dự án Saigon Sunbay dọc bờ biển theo hướng về xã Long Hòa để xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 826/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký, phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM).
Theo Quyết định được phê duyệt, dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…
Quy mô dự án được điều chỉnh từ 600 hecta thành 2.870 ha. Tổng vốn đầu tư dự án cũng được điều chỉnh là 217.054 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 32.558 tỉ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỉ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).
Đồng thời tên dự án cũng được đổi từ “Hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị Du lịch biển Cần Giờ” thành “Dự án Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.
Được biết, thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày 11/7/2007 cho phần diện tích 600ha đã giao cho nhà đầu tư. Và 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được thông qua quyết định chủ trương đầu tư.
Địa điểm thực hiện dự án là xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Tiến độ thực hiện được đảm bảo trong khoảng 11 năm kể từ ngày được ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Quyết định của Chính phủ cũng giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về việc quy hoạch mở rộng dự án. Việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất đúng quy định bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng quy định về pháp luật đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan.
Đối với chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh, quy hoạch giao thông. Thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, chủ đầu tư cần đánh giá kỹ dòng chảy tự nhiên nhằm tránh xói mòn và tuân thủ các khung pháp lý về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cần giờ.
Điều quan trọng là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về vốn thực hiện dự án và đảm bảo việc thực hiện dự án đúng tiến độ, hiệu quả.