(Tin Môi Trường) - Do thiếu hụt lượng mưa từ những tháng cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra thiên tai hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
Tình hình hồ chứa trong tỉnh Ninh Thuận tính đến ngày 15/6/2020, tổng dung tích các hồ xấp xỉ 23/194triệu m3 đạt gần 12% dung tích thiết kế; thiếu hụt 71% so với trung bình nhiều năm. Hồ Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng có dung tích 45/165 triệu m3 đạt hơn 27% dung tích thiết kế. Trong 21 hồ chưa trên địa bàn tỉnh có: 03 hồ chứa có dung tích xấp xỉ mực nước chết gồm: Phước Nhơn, Phước Trung và Thành Sơn; 09 hồ chứa nước có mực nước dưới mực nước chết gồm: Tân Giang, Sông Biêu, Lanh Ra, Nước Ngọt, Tà Ranh, Suối Lớn, Cho Mo, Sông Trâu, CK7; 01 hồ chứa nước hết nước: Ông Kinh.
Hồ Tân Giang có dung tích thiết kế 13,4 triệu m3, đến ngày 15/6 mực nước thấp hơn mực nước chết 2,80m
Diện tích dừng sản xuất của vụ Đông Xuân 2019-2020 do thiếu nước tưới là: 7.873ha, trong đó cây lúa: 4.556ha, cây màu: 3.317ha. Theo Kế hoạch số 1442/KH-UBND ngày 20/4 của UBND tỉnh, vụ Hè Thu năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ gieo trồng 17.159ha gồm (lúa 2.444ha; màu 14.696ha; thủy sản 19ha). Diện tích dừng sản xuất trong vụ Hè Thu là 15.360 ha. Tính đến ngày 11/6, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu trên địa bàn tỉnh đạt 9.277ha, trong đó cây lúa đạt 2.614 ha; cây màu 6.663ha.
Nhận định sớm được tình hình thiên tai hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra nghiêm trọng, ngay từ đầu tháng 02/2020, Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã luôn quan tâm hỗ trợ cứu đói cho người dân do thiên tai hạn hán; điển hình như tại một số xã trên địa bàn tỉnh như Phước Nam, Phước Ninh thuộc huyện Thuận Nam và một số khu vực khác do thiếu nước tưới đã dừng sản xuất nông nghiệp từ vụ Hè Thu năm 2019 cho đến nay.
Để thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do hạn hán gây ra; Sở LĐ-TB&XH đã có Công văn số 734/SLĐTBXH-NCCXH gửi các địa phương trong tỉnh hướng dẫn rà soát đề nghị cứu đói là những thành viên thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn hán có khả năng thiếu đói. Đến nay, LĐ-TB&XH đang rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ lương thực.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19. Trong đó có hỗ trợ cho 04 nhóm đối tượng là: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời gian hỗ trợ là 03 tháng (từ tháng 4-6/2020), tổng số đối tượng cần hỗ trợ là 118.580 người. Cho đến thời điểm hiện nay, việc hỗ trợ kinh phí tại các địa phương cơ bản đã xong, kinh phí đã được đưa đến tận tay người dân, đã giải quyết cơ bản phần lớn các nhóm cũng bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra, đó là đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Về thực hiện giải pháp an sinh xã hội, UBND các huyện thường xuyên rà soát các đối tượng thuộc diện phải hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để hộ dân nào bị thiếu đói. Trường hợp quá khả năng giải quyết của địa phương, Sở LĐ-TB&XH tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá khả năng cân đối của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ theo qui định hiện hành.
ThS. Đặng Thanh Bình Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận