Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Thỏa thuận đánh dấu hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về đối xử nhân đạo với động vật và bảo vệ động vật hoang dã
(19:41:20 PM 08/06/2020)
(Tin Môi Trường) - Tổ chức Humane Society International Viet Nam cho biết, việc Quốc hội Việt Nam ngày hôm nay phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã đánh dấu kỷ nguyên mới trong hợp tác liên chính phủ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về đối xử nhân đạo với động vật và bảo vệ động vật hoang dã
Việc Quốc hội Việt Nam ngày hôm nay phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã mở ra một kỷ nguyên hợp tác liên chính phủ mới về phúc lợi động vật và bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) giữa hai bên. Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại này vào đầu năm nay. Tổ chức quốc tế Humane Society International (HSI) tin tưởng rằng, Hiệp định này có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy công tác bảo vệ ĐVHD và tăng cường hợp tác liên quan đến đối xử nhân đạo với vật nuôi và động vật nói chung, nếu các nguồn lực được cung cấp đầy đủ.
Tiến sĩ Joanna Swabe, giám đốc cao cấp về các vấn đề công cộng của HSI / Châu Âu, cho biết: Tổ chức HSI cho rằng cả hai bên nên nắm bắt cơ hội lịch sử này để tăng cường hợp tác bảo vệ động vật. Mặc dù các điều khoản liên quan đến phúc lợi động vật rất hạn chế, nhưng ít nhất Hiệp định này đã tạo ra một cơ hội cho Liên minh châu Âu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực để nâng cao phúc lợi động vật trang trại ở Việt Nam.
Gần đây, để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi, hàng triệu con lợn đã bị tiêu huỷ ở Việt Nam cho thấy nhu cầu cấp bách của việc hỗ trợ thú y. Do thiếu thiết bị trích điện và kỹ năng phù hợp trong quá trình xử lý lợn bệnh, nên việc tiêu huỷ trong thời gian vừa qua là vô vùng thiếu nhân đạo. Thông qua tăng cường hợp tác đối xử nhân đạo với vật nuôi với Liên minh châu Âu, một chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ dài hạn có thể được đề xuất, xây dựng để đào tạo các kỹ thuật xử lý tiêu huỷ động vật và sử dụng thiết bị phù hợp nhằm đảo bảo vật nuôi được đối xử nhân đạo kể cả tại thời điểm chúng bị giết.
Ảnh: HSI
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc HSI Việt Nam cho biết thêm: Ngoài việc chia sẻ kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết về phúc lợi động vật trang trại thì Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các điều khoản có thể hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong giảm thiểu việc buôn bán trái phép các sản phẩm ĐVHD. Thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị xem là “điểm nóng” cung cấp, tiêu thụ và trung chuyển của nạn buôn lậu ĐVHD.
HSI Việt Nam hy vọng rằng - thông qua việc thực hiện đúng thỏa thuận thương mại và hợp tác phát triển này chúng ta sẽ thực hiện thành công giảm nhu cầu sử dụng đối với các sản phẩm động vật hoang dã trái phép và tăng cường năng lực thực thi của các cơ quan chức năng thông qua các khoá đào tạo tập huấn và các bộ công cụ phù hợp giải quyết các vấn nạn của việc buôn lậu ĐVHD.
Việc buôn bán bất hợp pháp này không chỉ gây ra mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và môi trường sống tự nhiên, mà còn có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng như đã và đang thể hiện trong đại dịch COVID-19 gần đây. Rõ ràng, theo các quy định hiện hành thì việc buôn bán và tiêu thụ các loài ĐVHD ở Việt Nam là bất hợp pháp, nhưng việc thực thi những quy định này còn nhiều yếu kém và các chợ buôn bán ĐVHD vẫn hoạt động công khai và chưa bị xử lý một cách nghiêm khắc.
Sau khi hiệp định thương mại có hiệu lực, cả HSI Châu Âu và HSI Việt Nam đều có ý định đăng ký tham gia các Nhóm tư vấn quốc gia tương ứng, sẽ được thành lập, nhằm cho phép các đại diện xã hội dân sự giám sát việc thực hiện hiệp định thương mại tự do này.
•Liên minh châu Âu và Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư vào ngày 30 tháng 6 năm 2019. Hội đồng Liên minh châu Âu đã phê chuẩn thỏa thuận vào ngày 30 tháng 3 năm 2020 sau khi Nghị viện châu Âu ký vào ngày 12 tháng 2 năm 2020.
•Chương trình Hợp tác và Xây dựng Năng lực EVFTA đưa ra tuyên bố rằng: “các Bên đồng ý hợp tác về phúc lợi động vật khi cần thiết, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để phát triển các tiêu chuẩn phúc lợi động vật”.
•Khoảng 6 triệu con lợn đã bị tiêu huỷ cho đến hết 2019 do dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Việt Nam. Quá trình tiêu huỷ thiếu nhân đạo đã cho thấy sự cần thiết phải có đào tạo và thiết bị phù hợp để đạt được nhân đạo với vật nuôi.
•Chương “Thương mại và Phát triển Bền vững” của Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam bao gồm các cam kết thực thi và thực hiện đúng các thỏa thuận môi trường đa phương, cũng như các điều khoản nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và giảm buôn bán ĐVHD bất hợp pháp thông qua trao đổi thông tin về chiến lược, sáng kiến chính sách, các chương trình, kế hoạch hành động và các chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cùng với cam kết tăng cường hợp tác để tăng số loài được bảo vệ thông qua việc đề xuất danh sách CITES mới. Đáng chú ý, năm 2019, EU và Việt Nam đã cùng nhau đệ trình các đề xuất và đã thành công trong việc bổ sung các loài bò sát và lưỡng cư khác vào Phụ lục II của Công ước CITES.
•Sừng tê giác có giá trị ở các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam dựa trên những niềm tin mù quáng về giá trị làm thuốc, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ những tuyên bố này. Sừng tê giác có thể được bán với giá cao trên thị trường chợ đen, nhưng có dấu hiệu cho thấy gần đây giá đã giảm tại Việt Nam, một phần nhờ vào các chiến dịch giảm nhu cầu sừng tê giác được đưa ra vào năm 2013 bởi HSI và chính phủ Việt Nam. Chiến dịch đa diện đã tiếp cận được khoảng 37 triệu người - xấp xỉ một phần ba dân số cả nước.
•Năm 2016, HSI đã tổ chức thành công Hội nghị các quốc gia có tê tê phân bố lần đầu tiên. Sự kiện này được đồng tổ chức bởi chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, với sự tham dự của hơn ba mươi quốc gia tại Việt Nam.
•Với sự hỗ trợ của HSI, Việt Nam đã tổ chức một sự kiệnlần đầu tiên diễn ra tại đất nước vào tháng 11 năm 2016, với hơn hai tấn ngà voi, 70 kg sừng tê giác và các mẫu vật hoang dã bị thu giữ khác đã bị tiêu hủy như một thông điệp gửi tới cộng đồng quốc tế rằng những loài động vật này rất có giá trị, chứ không phải là các sản phẩm lấy từ những động vật sống.
•HSI đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện một dự án đột phá, trong đó hàng triệu học sinh ở Việt Nam đã được dạy những bài học giáo dục nhân văn về động vật hoang dã bị đe dọa, góp phần giải quyết vấn nạn buôn bán bất hợp pháp tê giác, voi, tê tê, hổ và nhiều loài hoang dã khác.