Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dời dân để bảo tồn cây da hơn 100 tuổi

(12:16:05 PM 05/06/2020)
(Tin Môi Trường) - TP Sa Đéc sẽ đổi đất cho các hộ dân quanh cây da hơn 100 tuổi bị nghiêng để bảo tồn cổ thụ gắn với quá trình phát triển đô thị xưa.

Dời dân để bảo tồn cây da hơn 100 tuổi 

Phần thân cây da từ mái nhà ông Sa trở lên, cách mặt đất khoảng 4 m. Ảnh: Cửu Long.
 
Trong khuôn viên 86 m2 đất thổ cư của gia đình ông Nguyễn Hoàng Sa, 47 tuổi, ở góc đường Phan Chu Trinh - Hùng Vương (phường 1, TP Sa Đéc), có 19 m2 không thể sử dụng được vì gốc da án ngữ. Cây có đường kính hơn 3 m, cao 25 m, bị nghiêng vào bên trong. Gốc và thân cây đã mục ruỗng nhiều lỗ rất to, người lớn có thể chui vào... 
 
Căn nhà cấp bốn ọp ẹp cũng là nơi bán quán cơm nuôi sống tám người trong gia đình ông Sa. "Mỗi khi mưa gió là mọi người không thể ngủ yên vì dột nước và sợ cây ngã đè", ông Sa nói và cho biết nhà đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nơi nhưng không thể sửa, xây mới được. Gia đình cũng phải đóng phần thuế cho diện tích bị cây da "lấn chiếm".
 
Chủ nhân thửa đất cho rằng cha mẹ mình sống ở đây từ năm 1960, khi đó đã có cây da. Đến năm 1985, cơn bão lớn quét qua khiến cây bị nghiêng và đè lên căn nhà. Đầu tháng 8/2019, trận mưa giông kèm lốc xoáy làm cổ thụ bật gốc, phần thân đè sập mảng tường của phòng thờ trên gác và gian bếp bên dưới với tổng diện tích gần 20 m2. Các căn nhà lân cận cũng bị thủng tôn, nứt tường.
 

Dời dân để bảo tồn cây da hơn 100 tuổi

Gốc cây da phía bên trong nhà ông Hoàng Sa. Ảnh: Cửu Long
 
Theo ông Nguyễn Văn Của Anh, 62 tuổi, nhà liền kề với ông Hoàng Sa, cây da được cắt tỉa nhánh nhưng vẫn còn rất cao, tán rộng. "Chúng tôi rất lo sợ cây bật gốc khi đang vào mùa mưa", ông nói.
 
Lo sợ nguy hiểm, gia đình ông Sa cùng 5 hộ lân cận làm đơn đề nghị chính quyền địa phương đốn hạ hoặc di dời cây nhưng không được chấp nhận vì đây là một trong hai cổ thụ trăm tuổi thuộc diện bảo tồn của TP Sa Đéc.
 
Ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch TP Sa Đéc cho biết chính quyền địa phương chia sẻ trước lo lắng và những khó khăn của các hộ dân sống cạnh cây da.
 
"Cây da này gắn với sự hình thành và phát triển của Sa Đéc, vì vậy việc bảo tồn cổ thụ này như giữ cái hồn của đô thị xưa", ông Tùng nói và cho biết tháng 8/2019, cây bị bật gốc, nghiêng 10-15 độ nhưng được hai lần cắt tỉa nhiều cành, nhánh to, nên khó xảy ra đổ ngã.
 
Dời dân để bảo tồn cây da hơn 100 tuổi
Đầu tháng 8/2019, cây da bật gốc, nghiêng đè sập bức tường nhà dân. Ảnh: Cửu Long.
 
Do đây là cây bảo tồn nên UBND TP Sa Đéc quyết tâm giữ lại và đã có giải pháp đảm bảo sự an toàn và quyền lợi của người dân.
 
"Chính quyền sẽ đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cây da để đổi bằng phần đất có giá trị tương đương và sớm hỗ trợ các hộ này di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống", ông Tùng nói và cho biết đồng thời, thành phố sẽ triển khai phương án bảo vệ, chăm sóc cổ thụ thật tốt, không để đổ ngã.
 
Sa Đéc trở thành thành phố năm 1993, là trung tâm kinh tế, tài chính, giáo dục, văn hóa và du lịch ở phía Nam Đồng Tháp. Vùng đất Sa Đéc xưa có tên Khmer là Phsar Dek, nghĩa là Chợ Sắt. Giai đoạn 1976-1994, tỉnh lỵ của Đồng Tháp đặt ở Sa Đéc, sau đó dời về Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh). 
 
Sa Đéc nổi tiếng với làng hoa được hình thành hơn 100 năm trước. Đến nay có hơn 2.300 hộ dân trồng 2.500 loài hoa kiểng khác nhau, với diện tích hơn 500 ha, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất miền Tây.
Cửu Long