(Tin Môi Trường) - Chủ đề của ngày Môi trường thế giới 5/6/2020 là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature). Thông điệp của ngày Môi trường thế giới năm nay rất ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng và nhanh chóng của đa dạng sinh học và các quần thể ĐVHD. Đã đến lúc các quốc gia cần ưu tiên những hành động, quyết sách để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và ĐVHD, đảm bảo sự cân bằng trong tương quan với cán cân phát triển kinh tế.
Nhân ngày Môi trường thế giới năm nay, ENV đã phát hành phim ngắn “Chấm dứt gây nuôi thương mại ĐVHD nguy cấp, quý hiếm để bảo tồn đa dạng sinh học”. Phim ngắn là một chuỗi những lập luận từ các tổ chức bảo tồn, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan thực thi pháp luật phản bác lại luận điểm cho rằng nên cho phép gây nuôi và kinh doanh thương mại các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.
Sự phát triển của các cơ sở gây nuôi đã dẫn đến sự diệt vong của loài cá sấu Xiêm trong tự nhiên ở Việt Nam, đồng thời gây suy giảm nghiêm trọng các quần thể cá sấu Xiêm trong tự nhiên ở một số quốc gia lân cận như Cam-pu-chia và Lào.
Với những người ủng hộ, gây nuôi thương mại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vừa là một giải pháp kinh tế, đem lại lợi nhuận cho người nuôi, vừa giúp giảm thiểu sức ép đối với các quần thể loài trong tự nhiên vì nạn săn bắt sẽ giảm mạnh khi nguồn cung chủ yếu đến từ các cơ sở gây nuôi, đồng thời nguồn giống ĐVHD từ các trại nuôi sẽ phần nào có ý nghĩa bảo tồn khi có thể sử dụng để nghiên cứu, tái thả về tự nhiên.
Tuy nhiên, quan điểm ENV và hầu hết các tổ chức bảo tồn, các nhà khoa học đều không ủng hộ hoạt động buôn bán, gây nuôi vì mục đích thương mại đối với tất cả các loài ĐVHD nguy cấp, trừ cá sấu và một số loài nhất định (được công bố trong Danh mục cụ thể) – là những loài có khả năng sinh sản, phát triển tốt qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát và hoạt động gây nuôi, buôn bán ĐVHD đã được kiểm chứng là sẽ không gây tổn hại đến sự tồn tại các quần thể loài này trong tự nhiên.
Một số những vấn đề chính sẽ nảy sinh nếu cho phép gây nuôi thương mại ĐVHD nguy cấp, quý hiếm như sau:
-Các cơ quan chức năng không thể phân biệt được tính chất pháp lý (hợp pháp hay bất hợp pháp) của các cá thể ĐVHD và sản phẩm của chúng được buôn bán hay tiêu thụ trên thị trường. Đây chính là kẽ hở để các đối tương buôn bán lợi dụng trục lợi. Việc theo dõi các hoạt động buôn bán, săn bắt và vận chuyển ĐVHD cũng như sản phẩm từ ĐVHD là những thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.
-Nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm bị cấm có khả năng gia tăng sau khi các sản phẩm này được phép lưu thông trên thị trường trong khi hoạt động gây nuôi không thể đáp ứng đủ.
- Do rất ít chủ cơ sở gây nuôi am hiểu về các loài được gây nuôi hay chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết để gây dựng một cơ sở gây nuôi và buôn bán hợp pháp ĐVHD, tình trạng giao phối cận huyết và lai tạp nguồn gen diễn ra phổ biến tại hầu hết các cơ sở gây nuôi ĐVHD. Chính vì vậy, các cá thể ĐVHD được sinh ra tại các cơ sở này không có giá trị bảo tồn. Bên cạnh đó, nếu thả về tự nhiên, các cá thể sinh ra trong môi trường nuôi nhốt sẽ khó sống sót do mất bản năng sinh tồn.
-Số lượng cá thể của các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trong tự nhiên còn lại rất ít; do đó, chỉ riêng hoạt động khai thác để nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu cũng có thể đẩy các loài này đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên.
Có nhiều lựa chọn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhưng cơ hội để bảo vệ đa dạng sinh học của đất nước khỏi sự tuyệt chủng lại chỉ có một. Một chính sách sai lầm có thể làm một loài biến mất vĩnh viễn. Phim ngắn đã được gửi tới các nhà hoạch định chính sách nhằm khuyến khích hoàn thiện các chính sách, các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ tốt nhất đa dạng sinh học của Việt Nam.