(Tin Môi Trường) - Xuất phát từ mục đích bảo vệ môi trường song song với khai thác du lịch bền vững, những “chuyên gia” không chuyên ở xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã đứng ra xây dựng Mô hình cộng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản và được giao quyền quản lý 8ha mặt nước tại khu vực Bãi Dứa, xã Nhơn Lý.
Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nhơn Lý được ra đời với mong muốn phát triển bền vững du lịch địa phương. Ảnh: NVCC
Chung tay phát triển du lịch bền vững
Đến Nhơn Lý, du khách chủ yếu lựa chọn tour du lịch Kỳ Co - Eo Gió và lặn ngắm dải san hô nhiều màu sắc. Vào thời điểm du lịch ở địa phương này mới manh nha phát triển, để chiều lòng du khách, người dân ở đây có thể cho du khách bẻ nhánh san hô hoặc lấy đá san hô về làm quà lưu niệm khiến san hô ở khu vực giảm sụt, gãy nhiều.
Bởi vậy, để bảo vệ tiềm năng du lịch, giữ gìn môi trường sinh thái cho các hòn đảo ven bờ, cuối năm 2019 đầu năm 2020, anh Nguyễn Hữu Đảo (thành viên nhà hàng du lịch Khánh An, thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý) cùng những người dân ở địa phương và các hộ kinh doanh du lịch bàn bạc rồi đi đến thống nhất thành lập Mô hình cộng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nhơn Lý.
Vừa qua, mô hình này được UBND TP.Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển bãi Dứa (xã Nhơn Lý) với diện tích 8ha. “Chúng tôi học theo kinh nghiệm ở xã Nhơn Hải, vì khu vực này có Hòn Khô nhỏ và Hòn Khô lớn. Trước thực trạng rạn san hô ở Hòn Khô nhỏ bị xóa trắng do khai thác hoạt động ngắm san hô không hợp lý, một hợp tác xã đã được hình thành để bảo vệ khu đó” - anh Đảo cho biết.
Theo ông Trần Kim Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cái hay của mô hình này ở chỗ dựa vào cộng đồng, để cộng đồng chung tay giải quyết các vấn đề. “Khi người dân tự ý thức, nhìn nhận ra vấn đề, họ sẽ chung tay bảo vệ rạn san hô, phát triển du lịch bền vững để giữ gìn môi trường và sinh kế cho các thế hệ sau này” - ông Dương nói.
Khi cộng đồng làm “chuyên gia”
Hiện, mô hình có hơn 60 thành viên tham gia, gồm ngư dân, các hộ kinh doanh du lịch... Các thành viên được chia ra 3 đội: 1 đội tuyên truyền, 1 đội làm sinh kế, 1 đội bảo vệ sẽ phối hợp với Công an chính quy và Đồn Biên phòng để kiểm tra và xử lý nếu có trường hợp vi phạm.
Các thành viên tham gia mô hình đều ngày ngày kiếm kế sinh nhai trên biển, bởi vậy, họ là “mắt thần” bảo vệ khu vực này. Tàu lạ vào khai thác san hô, các thuyền giã cào hay vào đánh mìn ở khu vực này sẽ bị phát hiện ngay lập tức.
“Mọi người cũng chỉ “ngán” mỗi các tàu giã cào, đánh mìn vì họ rất liều. Ai gặp các tàu này thì sẽ nhanh chóng báo với đội bảo vệ để lực lượng chức năng đến xử lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở du khách ý thức giữ gìn rạn san hô khi lặn ngắm. Ngay cả việc du khách dùng kem chống nắng nhiều khi lặn cũng ảnh hưởng đến các loại san hô mềm, vì vậy, chúng tôi cũng nhắc khách hạn chế” - anh Đảo cho hay.
Ở khu vực Nhơn Lý, 6 tháng mùa đông (từ tháng 9 âm lịch đến tháng 2 sang năm), sóng xô đẩy cây, lưới vào các khu vực bãi đá rất nhiều. Đây là thời điểm các thành viên phải hoạt động thường xuyên, liên tục để giữ sạch vùng biển.
“Khu vực này chủ yếu có 2 loại san hô: San hô mềm và san hô cứng. Nếu cây, lưới nằm ở đó, dòng chảy sẽ va chạm với san hô. San hô cứng thì không sao, chứ san hô mềm vướng những thứ đó không phát triển tốt được. 6 tháng mùa đông là thời điểm mưa bão, không có khách du lịch nhưng anh em vẫn phải chia nhau đi tuần tra liên tục. Nhiều khi gặp thời tiết xấu, việc tuần tra gặp rất nhiều khó khăn” - anh Đảo nói thêm.
Bên cạnh việc tuần tra, các thành viên còn liên tục được Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và các tổ chức về môi trường biển tập huấn, hỗ trợ tài liệu, tư vấn chuyên môn... Họ - những ngư dân - lại phải học lại từ những điều nhỏ nhất, đó là bắt cầu gai (nhum biển) - loại sinh vật biển chuyên ăn san hô.
“Ngư dân ở đây vẫn thường bắt cầu gai để làm món ăn bổ dưỡng cho du khách lặn san hô. Tuy nhiên, bắt như thế nào cho đúng để cầu gai không sinh sôi quá mức làm nguy hại đến sự phát triển của san hô thì chẳng ai biết. Kinh nghiệm của Hòn Khô cho thấy rằng, năm đầu tiên bắt cầu gai không đúng cách, để nó tiết ra chất dịch rồi sinh sôi nảy nở, đến năm sau số lượng cầu gai lại lớn hơn. Các chuyên gia đã chỉ cho chúng tôi các kiến thức chuyên môn để bảo vệ rạn san hô hiệu quả nhất” - anh Đảo chia sẻ.