(Tin Môi Trường) - Theo quy hoạch, trong Khu Y tế kỹ thuật cao có xây dựng khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho cán bộ, nhân viên. Thế nhưng, khi triển khai, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shanggri-La (Tập đoàn Hoa Lâm) đã biến dự án trên thành nhà ở thương mại, ưu tiên bán.
Dự án nhà ở thương mại được xây trong Khu Y tế Kỹ thuật cao. Ảnh: Huân Cao
"Hô biến" nhà ở phục vụ thành nhà ở thương mại
Theo quy hoạch đã được phê duyệt ban đầu, khu nhà ở, căn hộ phục vụ nhu cầu của Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao là lô đất D2, D3 được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009 cho Tập đoàn Hoa Lâm. Trong đó có ghi rõ, mục đích sử dụng đất là "xây dựng khu nhà ở, căn hộ phục vụ khu y tế kỹ thuật cao" với tổng diện tích hơn 24.000m2.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn Hoa Lâm muốn được chuyển hai khu đất D2 và D3 này sang nhà ở thương mại để bán ra bên ngoài.
Đầu tiên là Tập đoàn Hoa Lâm thành lập Công ty TNHH Hoa Lâm - Shangri-La5 (Công ty Hoa Lâm 5) để thực hiện dự án Khu nhà ở D2. Đồng thời, thành lập Công ty TNHH Hoa Lâm - Shangri-La6 (Công ty Hoa Lâm 6) để thực hiện dự án Khu nhà ở D3.
Khu nhà ở D2 và D3 tiếp giáp 3 mặt tiền trong Khu Y tế Kỹ thuật cao. Ảnh: Huân Cao
Ngày 7.3.2016 Tập đoàn Hoa Lâm có công văn đề nghị UBND TPHCM điều chỉnh mục tiêu dự án đối với khu đất lô D2 và lô D3 trong dự án khu Y tế kỹ thuật cao do Tập đoàn làm chủ đầu tư. Cụ thể, Tập đoàn Hoa lâm đề nghị điều chỉnh từ "Đầu tư xây dựng, khai thác và cung cấp dịch vụ có liên quan tới khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao" thành "Xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao)".
Sau đề xuất của Tập đoàn Hoa Lâm ngày 13.11.2017, UBND TPHCM có quyết định số 5983 và 5984 điều chỉnh mục tiêu dự án từ "Đầu tư xây dựng, khai thác và cung cấp dịch vụ dịch vụ có liên quan đối với khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao" thành " Xây dựng và kinh doanh nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu y tế Kỹ thuật cao....".
Giá bán khu căn hộ D2 và D3 với giá thị trường lên đến 40 triệu đồng. Ảnh: Huân Cao
Như vậy chỉ cần điều chỉnh từ "phục vụ" sang "kinh doanh" và "ưu tiên bán", Tập đoàn Hoa Lâm đã chuyển sang kinh doanh thương mại nhà ở tại khu đất vàng ở quận Bình Tân ngay trong Khu Y tế. Tập đoàn Hoa Lâm đã nhanh chóng biến khu đất D2 và D3 thành khu chung cư thương mại với quy mô hơn 2000 căn hộ.
Khu D2 và D2 nhờ có vị trí đắc địa khi nằm trên mặt tiền đường Tên Lửa (quận Bình Tân) 6 làn xe, 2 mặt tiền còn lại thuộc đường nội bộ của Khu Y tế Kỹ thuật cao. Ngoài giáp 3 mặt tiền, khu đất này cũng giáp với tuyến giao thông lớn là đường Kinh Dương Vương kết nối dễ dàng vào trung tâm Thành phố và Bến xe miền Tây. Với giá bán thị trường lên đến 40 triệu/m2, dự án nhà ở thương mại D2 và D3 dự kiến đem về cho Tập đoàn Hoa Lâm hàng nghìn tỉ đồng.
Sau nhiều năm xây dựng, chỉ có 2 bệnh viện hoàn thành
Bắt đầu triển khai quy hoạch vào năm 1999, Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao (quận Bình Tân, TPHCM) hứa hẹn sẽ trở thành một khu y tế đẳng cấp phục vụ và chăm sóc y tế cho người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Thế nhưng trải qua 20 năm quy hoạch và xây dựng, Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao vẫn còn nhiều hạng mục phục vụ Y tế chưa được triển khai xây dựng theo quy hoạch. Trong khi đó, những hạng mục phục vụ cho thương mại thì sớm được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Cụ thể, hiện Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao chỉ có 2 Bệnh viện đã hoàn thành là Bệnh viện Quốc tế Thành Đô và Bệnh viện Gia An 115. Đồng thời, chỉ có 1 dự án đang được triển khai xây dựng là Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm.
Trong khi đó có tới hàng loạt dự án trọng điểm của Khu Y tế Ky thuật cao vẫn chưa được triển khai xây dựng. Cụ thể: Bệnh viện thuộc Khu Y tế Kỹ thuật cao (BV1, hơn 12.500m2); Bệnh viện thuộc Khu Y tế Kỹ thuật cao (BV2, hơn 11.000m2); Bệnh viện thuộc Khu Y tế Kỹ thuật cao (BV3, hơn 13.600m2); Trung tâm Nghiên cứu phục vụ khu Y tế Kỹ thuật cao (BV7, gần 6000m2); Trung tâm Nghiên cứu phục vụ Khu Y tế kỹ thuật cao (BV8, gần 6000m2); Trung tâm nghiên cứu xét nghiệm; Khu thể dục, thể thao phục vụ Khu Y tế kỹ thuật cao; Trung tâm quản lý hành chính;...
Ngược lại, những dự án mang tính thương mại dịch vụ thì lại sớm được triển khai và đưa vào hoạt động như Trung tâm thương mại Aeon - Bình Tân. Đồng thời, các dự án khác đang được triển khai như: Khu chung cư D2, Khu chung cư D3, Khu nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn, trường mẫu giáo, trường phổ thông, trường Đại học Y Dược Hoa Lâm.
Theo ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư của Tập đoàn Hoa Lâm, tiến độ thực hiện dự án Khu y tế Kỹ thuật cao được hoàn tất trong giai đoạn từ 2008-2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhà đầu tư chỉ mới triển khai được 67% tổng diện tích hạng mục dự án phải triển khai. Nguyên nhân được nhà đầu tư lý giải là do gặp khó khăn về nguồn lực tài chính trong việc triển khai các dự án thành phần theo đúng tiến độ.
Dự án nhà ở thương mại tại Khu Y tế kỹ thuật cao. Ảnh Cao Huân
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng như các khu vực lân cận thường xuyên quá tải khi cung không đủ cầu. Việc chính quyền TPHCM triển khai Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao đã nhận được sự tán thành trong đông đảo quần chúng nhân dân. Nhiều người dân đã chấp nhận để thành phố thu hồi đất để sớm triển khai dự án vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
UBND TPHCM đã bỏ chi phí đầu tư hạ tầng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp được ưu đãi nhiều chính sách nhưng trong quá trình triển khai lại có những điều chỉnh về quy hoạch, tạo nhiều ưu ái theo hướng kinh doanh thương mại cho chủ đầu tư. Những gì đang diễn ra thực tế tại dự án, người dân có quyền đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm nào đứng sau Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao hay không? Tại sao khi triển khai dự án, Tập đoàn Hoa Lâm lại nhận được nhiều sự ưu ái của chính quyền TPHCM như vậy?.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gửi công văn báo cáo và tham mưu cho UBND TPHCM giao Thanh tra Thành phố thực hiện việc thanh tra dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật.