(Tin Môi Trường) - Tây Nguyên là vùng đất có nhiều di sản gắn liền với cổ tích, huyền thoại. Bên cạnh di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Tây Nguyên còn có sự hiện diện của loại hình di sản gắn với thiên nhiên đại ngàn hùng vĩ-đó là cây di sản
Di sản thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, là yếu tố quan trọng hình thành di sản nhân văn (văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng). Ở Tây Nguyên, cây di sản là các loại cây cổ thụ tỏa bóng che chở, bảo bọc cuộc sống con người, buôn làng, làm nên bức tranh hùng vĩ của núi rừng.
Cây đa di sản làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Ảnh: Đ.T
Cảnh quan, môi trường sinh thái ở các buôn làng vùng cao trước tiên là cánh rừng, con suối, cây đa, bến nước gắn liền với cổ tích, huyền thoại. Ở làng buôn nào cũng tồn tại những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, dáng đẹp, hùng vĩ, gắn liền với văn hóa, lịch sử của vùng đất, tộc người... Cây thường mọc trên cánh đồng làng, bìa rừng, thung lũng, ở cuối thôn hay đầu làng, đầu ghềnh thác hay các bến nước của buôn làng. Đồng bào miền núi thường ví những người già uy tín, có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng là “cây cao bóng cả” cũng vì vậy. Người ta không đốn hạ những cây này để lấy gỗ, làm củi mà hết sức coi trọng vì mỗi cây đều ẩn chứa sắc màu huyền thoại. Chúng có thể là cây đa nơi bến nước, cây sung, pơ lang, kơ nia... sum suê tỏa bóng mát.
Những cây cổ thụ là dấu mốc tự nhiên của một ngôi làng. Trước đây, khi lập làng, đồng bào thường chọn vị trí nào có cây cổ thụ, có con sông, dòng suối để chọn làm bến nước. Vị trí lý tưởng nhất là nơi có những cây cổ thụ nằm hai bên bờ suối. Chúng trở thành những cái trụ tự nhiên vững chắc nhất để đồng bào làm cầu treo qua suối. Những sợi mây rừng, sau này là dây thép được giăng mắc vào thân cây, cành cây cùng với gỗ ván, tre nứa tạo thành chiếc cầu giúp bà con qua lại, nhất là vào mùa lũ nước lớn. Đầu cầu treo phía làng cư trú là bến nước, có bóng cây cổ thụ xanh mát, là nơi hẹn hò đôi lứa, nơi gặp gỡ sau một ngày lên nương làm rẫy, nơi nghỉ ngơi thư thái sau giờ lao động mệt nhọc.
Vào những ngày không đến lớp, trẻ con trong làng thường đến đây vui chơi, nô đùa, tạo nên một khung cảnh rất sống động. Hàng năm, nghi lễ cúng bến nước, ăn mừng lúa mới cũng được tiến hành tại địa điểm này. Khu rừng thiêng luôn có nhiều cây cổ thụ. Nếu làng cách xa sông suối thì khu rừng này là nơi cung cấp nguồn nước dồi dào, phục vụ sinh hoạt của bà con. Những máng nước, giọt nước làm bằng ống tre ở rừng thiêng, rừng đầu nguồn, khe nhỏ được thay cho bến nước ở sông suối.
Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) tồn tại nhiều loại cây cổ thụ có dáng cao vút, thân đồ sộ, như lá phổi xanh mang lại cuộc sống tươi đẹp cho thủ phủ cao nguyên. Đặc biệt, cây long não nằm phía trước Biệt điện Bảo Đại đã được công nhận là Cây di sản vào năm 2014. Những cây sanh cây si ngàn gốc tạo thành cảnh quan đẹp ở Buôn Đôn cũng là di sản thiên nhiên quý giá được khai thác trong hoạt động du lịch. Đến TP. Kon Tum, du khách rất ấn tượng với cây đa ở đầu cầu treo Kon Klor. Nơi đây có nhà rông đẹp, là địa điểm lý tưởng tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống và các sự kiện giao lưu văn hóa, lại có bóng cây cổ thụ che mát. 3 cây đa cổ thụ tuyệt đẹp ở xã Quảng Khê (huyện Đak Glong, tỉnh Đak Nông) thì lại nằm bên hồ Tà Đùng, rất thuận lợi cho việc tham quan ngắm cảnh. Cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cũng đã được công nhận là Cây di sản. Đó là cây cổ thụ có tuổi đời hơn 200 năm, gốc vững chắc, tỏa bóng mát cả một vùng, là nơi bà con trong làng thường tổ chức lễ hội. Các trường học ở thành phố và làng quê cũng có những cây đa cổ thụ tỏa bóng mát vừa làm đẹp cho ngôi trường, vừa là nơi vui chơi của các em học sinh trong lúc giải lao giữa giờ.
Trong quá trình thực hiện tái định cư, xây dựng nông thôn mới, thiết nghĩ, cần duy trì và khuyến khích bà con sống gần gũi với thiên nhiên. Cần giữ lại những cây cổ thụ đặc trưng làm nên nét duyên dáng, làm nên diện mạo của làng buôn vùng cao như cây đa, pơ lang, bằng lăng, kơ nia và những cây rừng nguyên sinh khác có cành tán, dáng thế đẹp. Những cây cổ thụ cho hoa đẹp, màu lá biến đổi theo mùa sinh trưởng như pơ lang, đa lá đỏ... thì càng nên gìn giữ để tạo cảnh quan, bóng mát cho buôn làng.