(Tin Môi Trường) - Cây Ruối còn gọi là Duối, Duối nhám, Mạy xói (Tày); tên khoa học là Streblus asper Lour., họ Dâu tằm (Moraceae).
Rặng Ruối Di sản ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Khu vực Đền và Lăng Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có rặng Ruối gồm 18 cây cổ thụ khoảng 1.000 năm tuổi, được công nhận là cây Di sản. Tương truyền rằng đây là nơi Ngô Quyền (898-944) buộc voi và ngựa chiến của nghĩa quân đã đánh bại quân xâm lược Nam Hán hùng mạnh trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam.
Ruối là cây gỗ, thường cao 4-8m (cây cổ thụ cao tới 20m). Thân và cành khúc khuỷu, có nhựa mủ trắng. Lá cứng, mọc so le, hình trái xoan, dài khoảng 3-7cm, rộng 1,5-2,5cm, mặt dưới lá rất ráp, mép khía răng. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực mang 10-12 hoa xếp sát nhau thành hình bán cầu. Hoa cái màu lục, mọc đơn độc hoặc từng cặp trên cuống dài, đài có 4 thuỳ bao kín bầu nhẵn với 2 vòi nhuỵ hình sợi. Quả mọng hình cầu hơi dẹt, nằm trong đài tồn tại, khi chín màu vàng, có vị ngọt và mùi thơm, ăn được. Mùa hoa quả: tháng 6-11.
Loài này phân bố ở Ấn Độ, Xri Lanca, Mianma, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin và Việt Nam. Ở nước ta, cây Ruối mọc hoang ở vùng đồi núi và cả đồng bằng, thường được trồng làm hàng rào. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm, mủ Ruối dùng tươi.
Quả cây Ruối
Về hoá học, vỏ cây Ruối chứa một chất đắng và các glycosid là asperosid, streblosid và siorasid (pregnan glycosid). Chất đắng của vỏ có tác dụng đối với cơ tim, tương tự như adrenalin. Streblosid có thể so sánh với digitoxin.
Theo Đông y, Ruối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, cầm máu, sát khuẩn, lợi tiểu và trừ giun.
Lá Ruối dùng xoa bóp chữa bại liệt, sao vàng chữa băng huyết, kiết lỵ. Lá non giã đắp trị vết thương chảy máu. Lá già dùng như một loại giấy ráp để đánh bóng đồ gỗ. Lá Ruối còn dùng làm thức ăn cho gia súc và chữa tiêu chảy cho trâu bò.
Vỏ Ruối dùng chữa sâu răng (sắc nước đặc để ngậm), đau bụng, sốt, tiêu chảy, kiết lỵ, trị phong thấp đau nhức, giã nát để đắp bó chữa gẫy xương. Ở Ấn Độ, nước sắc vỏ Ruối dùng chữa sốt, kiết lỵ và tiêu chảy. Vỏ Ruối có nhiều chất xơ, dùng chế bông nhân tạo, dệt túi và làm giấy.
Nhựa mủ Ruối có tác dụng sát khuẩn, làm se, chữa nhức đầu (bôi trên giấy bản, dán hai bên thái dương), cũng dùng chữa u nhọt, chốc lở;
Cành và rễ Ruối thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu chữa bụng trướng. Vỏ rễ chữa đái đục, bí đái. Liều dùng 12-20g dưới dạng thuốc sắc. Rễ Ruối giã đắp trị mụn nhọt mưng mủ và viêm, cũng dùng trị rắn cắn.
Gỗ Ruối mịn, mềm và trắng, thường dùng để khắc dấu, tiện đồ đạc.
TSKH. Trần Công Khánh -Hội BVTN&MT Việt Nam!