(Tin Môi Trường) - Trong giá trị đạo đức phổ quát trên thế giới hiện nay, người giàu có là nhờ xã hội, khi xã hội gặp khó khăn thì đạo đức xã hội dặn họ góp phần đền đáp, trả ơn nghĩa cho xã hội.
Máy 'ATM gạo' cho người nghèo ở Vườn Lài (quận Tân Phú)
Trong mùa dịch, nền kinh tế suy giảm, có thể lâm vào khủng hoảng, số công nhân thất nghiệp, mất thu nhập rất nhiều. Có những ông chủ bị thất bát, thua lỗ vẫn giữ cho anh em mức lương như trước. Ông vẫn có thể thương lượng với anh em chấp nhận 70% lương trong thời gian khó khăn này, rất hợp lý và gần như chắc chắn được đồng thuận. Tuy nhiên ông không nỡ đối xử như vậy với những người đã cộng tác với mình vốn cũng không dư dả gì. Đó là nghĩa, mà cũng là tình, chính là LÒNG NHÂN.
Ra đường thời này, người ta dễ thấy các thùng nước inox chứa nước mát với chồng ly nhựa dành cho khách lỡ bước dưới nắng, cho người lao động khi mệt được mát họng, mát lòng. Thấy thùng bánh mì với hàng chữ: Ai cần xin lấy một ổ. Thấy các bàn phát khẩu trang miễn phí. Lại có những quán cơm từ thiện, giao cơm tặng người nghèo. Có cây “ATM” gạo, ai thiếu thốn tới nhấn nút sẽ được khoảng 1,5 kg gạo tuôn xuống.
Những hình thức đó ấm lòng người dân. Ấm lòng không chỉ vì số lượng tặng, mà còn vì tính sáng tạo, vì lòng thao thức trước cảnh thiếu, khổ của con người. Đó là LÒNG NHÂN. LÒNG NHÂN kêu gọi LÒNG NHÂN. Một người có sáng kiến, nhiều người cám cảnh cám lòng, tới xin đóng góp. Lòng NHÂN đã sẵn đó, phải lúc, phải hoàn cảnh là tuôn ra, như sợi dây đàn được chạm tới liền rung động tỏa lan.. Đây là giá trị, là vốn văn hóa ông cha ngàn năm để lại, cũng là vốn văn hóa của Phật giáo, Công giáo in dấu trên tâm hồn dân tộc…
Người bình dân phố thị chia sẻ nhau, chút đồng tiền mồ hôi nước mắt trút xuống nghĩa tình. Không phải họ không biết tính toán rằng số tiền đó lớn so với thu nhập, mà như một chị kia nói, thấy người ta đói khổ, mình dư để nhà không chịu được. Lúc bình thường họ tính từng đồng, đi làm chắt chiu, khát không dám uống ly nước mát dọc đường, nhịn tới về nhà đỡ tốn. Khi thiên hạ đói khổ, họ tuôn ra không so đo. Ấy là bởi trong họ, giá trị LÒNG NHÂN lớn hơn giá trị tiện tặn rất nhiều!
Hình như có thời lòng Nhân không được xiển dương, thậm chí còn được xem là tính yếu đuối của giai cấp tiểu tư sản! Giúp đỡ nhau, chia sẻ nhau không phải vì LÒNG NHÂN mà vì cùng chiến hào, cùng con đường đi tới, cùng mục đích, cứu cánh.
Mấy ngày nay, thấy báo chính thống đăng tin mẹ già còm cõi gom tiền để dành tặng cho người nghèo trong thời buổi phòng chống COVID-19, và các tin tương tự không hiếm. Những tin và hình người quá nghèo đóng góp như vậy chỉ gây phản cảm thôi, nhưng bài này không bàn về khía cạnh nghề báo, nghề tuyên truyền mà chỉ bàn về khía cạnh LÒNG NHÂN. Bài này xót xa khi thấy tin và hình báo chí đưa lên. Nhìn hình người đã xót xa, thấy người đó gom tiền làm từ thiện càng xót xa hơn. Họ đã quá nghèo khổ rồi, xã hội này thiếu tiền tới mức không thể trợ cấp cho những người như các mẹ, các bà đó bớt còm cõi hơn sao? Cho dù họ muốn góp tiền, xã hội này nghèo khổ tới mức phải nhận tiền góp của những người còm cõi đó sao? Họ cũng là người xã hội có trách nhiệm lo cho mà!
Người có một chút LÒNG NHÂN có xót xa không? Khi đưa tin và đăng hình đó lên với những dòng ngụ ý hoan hô, phấn khích, liệu người ta có thấy áy náy chút nào không?
Người dân thường giúp nhau vì cám cảnh khổ của nhau. Người giàu có do đồng tiền lương thiện, nhiều người còn nhớ thủa hàn vi, cũng xông ra hoạt động từ thiện. Trong giá trị đạo đức phổ quát trên thế giới hiện nay, người giàu có là nhờ xã hội, khi xã hội gặp khó khăn thì đạo đức xã hội dặn họ góp phần đền đáp, trả ơn nghĩa cho xã hội.
Có một số người giàu đặc biệt: do tham nhũng. Tham nhũng hàng trăm tỉ tới hàng ngàn tỉ. Số tiền đó gấp ngàn lần, gấp vạn lần thu nhập bình quân của một người Việt. Tham nhũng là sai, tuy nhiên tham nhũng ít thì chỉ phạm vào đức liêm chính. Còn tham nhũng tới mức đó là vô nhân đạo, vì chỉ kẻ không có LÒNG NHÂN mới nhẫn tâm ăn cướp, ăn cắp tiền mồ hôi nước mắt của người lao động chung quốc gia, và đối với Việt Nam, của đồng bào! Hiện nay, bước ra xã hội, người ta dễ thấy biệt thự lớn nhỏ tại vị trí đắc địa là tài sản của quan chức. Về nơi xa một chút, cấp huyện đã có biệt phủ rồi! Xã hội được tổ chức ra sao mà có nhiều người tham nhũng tới đánh mất LÒNG NHÂN như vậy? Xã hội đó có thiếu LÒNG NHÂN hay không?
Mong sao, sau và từ cơn đại dịch này, Việt Nam sẽ xây dựng được một xã hội chan chứa LÒNG NHÂN.