(Tin Môi Trường) - Theo một báo cáo mới ra ngày hôm nay của WWF, hơn 90% số người được khảo sát tại khu vực Đông Nam Á và Hongkong ủng hộ các chính phủ đóng cửa các thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và thiếu kiểm soát. Con số này tại Việt Nam là 93%. Báo cáo được phát hành vào Ngày Y tế Thế giới trong bối cảnh cả thế giới đang phải vật lộn với tình trạng sức khoẻ cộng đồng nguy cấp và tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của loài người.
Đường lây truyền dịch bệnh
Với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, mối liên hệ giữa các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật – những bệnh truyền từ động vật sang người – và các chợ buôn bán động vật hoang dã đã trở thành một tâm điểm lớn. Một khảo sát, được thực hiện trong tháng 3 với 5.000 người tham gia đến từ Hongkong, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam cho thấy 82% người được hỏi cực kỳ hoặc rất lo lắng về đại dịch, và 93% người được hỏi tại khu vực Đông Nam Á và Hongkong ủng hộ những hành động của chính phủ để đóng cửa các khu chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và thiếu kiểm soát.
Nguồn gốc chính xác về COVID-19 vẫn còn nhiều câu hỏi, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định đây là một bệnh có nguồn gốc từ động vật, có nghĩa là virus từ động vật hoang dã truyền sang người. Ngày 24 tháng 2, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm. Kết quả nghiên cứu từ báo cáo của WWF cho thấy người dân ủng hộ các chính phủ trong khu vực ban hành một lệnh cấm tương tự. Đây là khảo sát ý kiến công chúng đầu tiên được thực hiện trong khu vực châu Á về mối liên hệ giữa COVID-19 và buôn bán động vật hoang dã.
Ông Christy Williams, Giám đốc Khu vực của WWF, Chương trình châu Á Thái Bình Dương, phát biểu: “Chính phủ Trung Quốc đã có một bước tiến lớn trong việc cấm săn bắt, buôn bán, vận chuyển và ăn thịt động vật hoang dã, và Việt Nam cũng đang soạn thảo một Chỉ thị tương tự. Các chính phủ trong khu vực châu Á cần phải làm theo để đóng cửa các chợ động vật hoang dã có nguy cơ cao và chấm dứt vĩnh viễn hoạt động thương mại này để cứu lấy sinh mạng người dân và giúp ngăn chặn một sự đứt gẫy về kinh tế và xã hội mà chúng ta đang phải trải qua trên toàn cầu”.
Khảo sát tại Việt Nam cho thấy phần lớn người được hỏi rất hoặc cực kỳ lo lắng về đại dịch virus corona, trong bối cảnh cuộc sống của người dân, cũng như nền kinh tế và sức khoẻ cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh này gây ra trên toàn quốc.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy người tham gia phỏng vấn tại Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ những biện pháp giải quyết tận gốc đại dịch COVID-19 và những dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật có khả năng bùng phát trong tương lai do săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Khoảng 90%, trong số 1.000 được hỏi, nói rằng họ có khả năng hoặc rất có khả năng sẽ ủng hộ những nỗ lực của chính phủ và các bộ ngành liên quan đóng cửa các thị trường và nhà hàng bán động vật hoang dã bất hợp pháp và thiếu kiểm soát.
Những chợ và nhà hàng này tiềm ẩn những nguồn lây nhiễm bệnh từ động vật hoang dã sang con người và cần phải đóng cửa để giảm bớt mối đe doạ. Và những mối đe doạ này là có thật. Khoảng 15% người được hỏi nói rằng họ hoặc người quen của họ đã mua sản phẩm động vật hoang dã từ chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng vừa qua. Ở quy mô quốc gia, con số này đồng nghĩa với việc hàng ngày có rất nhiều tương tác giữa động vật hoang dã và con người, mang lại những rủi ro tiềm ẩn. Những rủi ro này hoàn toàn có thể được giảm thiểu bằng cách đóng cửa các cửa hàng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Nhưng có một sự thay đổi đang diễn ra khi 82% người được hỏi trả lời rằng họ sẽ không mua sản phẩm động vật hoang dã từ những khu chợ đó trong tương lai. Tuy nhiên, để giảm thiểu những dịch bệnh bùng phát trong tương lai và đảm bảo các loài hoang dã được sống ở nơi chúng thuộc về - thiên nhiên, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ do tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã gây ra, cũng như ban hành các chính sách phù hợp và tăng cường thực thi pháp luật.
Tổng Giám đốc WWF Quốc tế, ông Marco Lambertini phát biểu: “Đây chính là lúc chúng ta sâu chuỗi các vấn đề lại với nhau: buôn bán động vật hoang dã, môi trường tự nhiên suy thoái và những rủi ro đối với sức khoẻ của con người. Chúng ta cần phải hành động ngay vì chính sự sống còn của tất cả: vì con người, vì rất nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe doạ bởi nạn buôn bán và tiêu thụ”.
Ngày 6 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp cùng với các bộ liên quan, soạn thảo khẩn cấp một Chỉ thị nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước. Hành động kịp thời và quyết đoán này cho thấy sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đây cũng là một cơ hội để chính phủ Việt Nam thể hiện vai trò đi đầu của mình trong khu vực trong cuộc chiến chống lại COVID-19 và trong việc ngăn chặn những dịch bệnh bắt nguồn từ động vật có thể bùng phát trong tương lai thông qua chấm dứt buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam cho biết: “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những hành đồng khẩn cấp để chấm dứt các bệnh truyền nhiễm từ động vật trong tương lai. WWF sẵn sàng làm việc với chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan để thực thi Chỉ thị này và chấm dứt nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo rằng đại dịch COVID-19 hiện nay, cùng với ít nhất 61% các bệnh ở người, có nguồn gốc từ động vật. Việc buôn bán động vật hoang dã đã làm gia tăng nguy cơ bùng phát của các bệnh này. Những dịch bệnh tương tự gần đây như SARS, MERS và Ebola cũng bắt nguồn từ các loại virus có ở động vật và lây truyền sang người.
Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là mối đe doạ lớn thứ hai đối với mất đa dạng sinh học trên toàn cầu, chỉ đứng sau mất sinh cảnh. Kể từ 1970 tới nay, thế giới đã mất đến 60% quần thể các loài động vật có xương sống. Một báo cáo của IPBES (Nền tảng Chính sách Khoa học Liên chính phủ về Đa dạng Sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái) cho thấy khoảng 25% các loài trên toàn cầu đang đối mặt với sự tuyệt chủng.