(Tin Môi Trường) - “Ngày 22/3 và ngày 23/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới. Năm nay, Ngày Nước thế giới có chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu” và Ngày Khí tượng thế giới có chủ đề chính là “Khí hậu và nước”. Như vậy, chúng ta có thể thấy “nước - khí hậu - biến đổi khí hậu” là những thách thức lớn toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, ba nhân tố này có mối liên hệ mật thiết mà chúng ta cần phải quản lý, theo dõi, giám sát thống nhất và kết nối mới có thể giải quyết được những thách thức liên quan đến Khí hậu và Nguồn nước đang đem lại cho thế giới”.( TS. Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn).
Banner chính thức Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới
Đối với Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng cực Nam Trung Bộ, do đặc thù về vị trí địa lý và địa hình, Ninh Thuận thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các loại hình thiên tai khắc nghiệt. Trong những thập kỷ gần đây, Ninh Thuận chịu ảnh hưởng lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, hoang mạc hóa, khô nóng, bão, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt... Biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến số lượng và chất lượng nguồn nước, làm suy giảm nguồn nước của các sông suối, gây xâm nhập mặn ở một số vùng cửa sông, ven biển, đồng thời mưa lớn kết hợp với nhiệt độ tăng cao làm tăng nguy cơ sạt lở đất và gây áp lực lớn lên hệ thống hồ chứa.
Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa vùng cực Nam Trung bộ có xu thế biến động mạnh mẽ hơn, số năm ít mưa, với tổng lượng mưa năm thấp hơn trung bình trên 20%, thậm chí trên 30% xảy ra nhiều hơn, đặc biệt là các năm 1992-1993, 1997-1998, 2004-2005, 2014-2016. Năm 2019, do tại Ninh Thuận vừa có lượng mưa năm thấp hơn TBNN, lại kết thúc sớm và kể từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh phổ biến không có mưa; cho nên tỉnh nhà đã và đang trải qua thời kỳ khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn cao điểm.
Qua thống kê số liệu quan trắc cho thấy xu thế biến đổi của khí hậu, nước biển dâng khu vực Ninh Thuận trong hơn 20 năm qua: Nhiệt độ trung bình năm ở tỉnh Ninh Thuận có xu thế tăng với tốc độ 0,03oC/10năm. Lượng mưa năm ở tỉnh Ninh Thuận có xu thế tăng với tốc độ 2,8 mm/năm. Mưa cực đoan có xu thế tăng, lượng mưa một ngày lớn nhất tăng với tốc độ khoảng 1,73mm/năm. Tổng lượng bốc hơi năm có xu thế tăng với tốc độ khoảng 4,5mm/năm. Độ ẩm tương đối trung bình năm có xu thế giảm nhẹ với tốc độ giảm 0.2%/năm. Tốc độ gió trung bình năm Ninh Thuận có xu thế tăng với tốc độ khoảng 0,03 m/s/năm. Mực nước biển tại khu vực ven biển có xu hướng tăng với tốc độ 5,1 mm/năm.
Trên đây là những điều kiện bất lợi do biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến nguồn nước vốn đã nghèo nàn của tỉnh Ninh Thuận. Chúng ta nhận thấy, lượng mưa năm có xu thế tăng, nhưng mưa cực đoan là lượng mưa một ngày, năm ngày lớn nhất cũng tăng theo; có nghĩa là lượng mưa sẽ tập trung chủ yếu vào một số trận mưa cực đoan gây lũ lụt và để lại thời kỳ thiếu mưa kéo dài gây ra hạn hán. Những thay đổi về mưa sẽ kéo theo một loạt những thay đổi về dòng chảy của các dòng sông, tần suất và cường độ lũ, tần suất hạn hán, lượng nước trong đất, nước cấp cho sinh hoạt, nước ngọt có khả năng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước mặt bằng việc thay đổi lưu lượng của dòng chảy, cụ thể là lưu lượng dòng chảy có xu hướng giảm dần do nguồn bổ cập là lượng mưa bị thiếu hụt trong thời kỳ kéo dài. Thêm vào đó, lượng bốc hơi trung bình hàng năm tăng do nhiệt độ gia tăng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tự điều chỉnh của sông suối, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do các lớp chất trầm tích tích tụ, đẩy mạnh sự phân hủy của các cacbon hữu cơ tạo nên môi trường “phú dưỡng”, gia tăng hàm lượng các chất ô nhiễm trong hệ thống nước mặt.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và gia tăng nhiệt độ, sức gió tăng và độ ẩm lại giảm; làm gia tăng khả năng gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô trong khu vực, thiếu nước sạch cho tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt. Biến đổi khí hậu cùng với nước biển dâng sẽ làm cho việc cung cấp nước ngọt trở nên khó khăn. Thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt dẫn đến việc khai thác quá mức và không thể kiểm soát môi trường của việc khai thác nước ngầm. Hiện tượng nhiễm mặn và ô nhiễm nước ngầm gia tăng. Các nguồn nước ngọt (mặt, ngầm) sẽ bị nhiễm mặn khi nước biển dâng.
Như vậy, theo thông điệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cần sự chung tay của tất cả các ban, ngành trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học. Các ngành sử dụng nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy điện, giao thông thủy… cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để ứng phó với diễn biến bất thường của tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, cùng với các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Mỗi người dân sử dụng nước tiết kiệm hàng ngày, tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước là những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
ThS. Đặng Thanh Bình, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận