(Tin Môi Trường) - Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới đang gây ra nhiều tổn thất về người và của, ảnh hưởng tới nền kinh tế, an sinh xã hội, và sức khoẻ trên toàn cầu. Dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ chợ động vật hoang dã Vũ Hán với vật chủ là loài dơi và có thể vật chủ trung gian lây sang người là tê tê. Giả thiết này cũng không phải không có cơ sở khi 70% dịch bệnh mới nổi hiện nay bắt nguồn từ động vật. Và với thói quen tiêu thụ động vật hoang dã như hiện nay tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, những dịch bệnh tương tự có thể bùng phát tiếp trong tương lai. Chính vì vậy, Giờ Trái Đất năm nay, WWF muốn mọi người suy nghĩ lại về những hành vi tiêu dùng của mình, hiểu được những tác động của thói quen tiêu dùng này tác động như thế nào tới thiên nhiên, kinh tế và xã hội. Chiến dịch sẽ tập trung vào ba lĩnh vực tiêu dùng có tác động lớn tới môi trường: sử dụng động vật hoang dã bất hợp pháp, năng lượng và đồ nhựa dùng một lần.
Poster Giờ Trái Đất 2020
1.GIỜ TRÁI ĐẤT
Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney, Úc do WWF khởi xướng vào năm 2007, Giờ Trái Đất ngày hôm nay đã trở thành một phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới. Vào mỗi ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm, hàng triệu người tại tất các các châu lục lại cùng nhau tắt đèn để thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thiên nhiên. Tắt đèn tuy là một hành động nhỏ, nhưng lại thể hiện một ý nghĩa lớn. Đó là biểu tượng của sự đồng lòng. Đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Đó là biểu tượng của sức mạnh tập thể khi chúng ta cùng nhau hành động để bảo vệ sự sống trên hành tinh này.
Năm 2019 đã có 188 quốc và và vùng lãnh thổ, hơn 7.000 thành phố trên thế giới tham gia Giờ Trái Đất và hơn 2 tỷ lượt tương tác trên các kênh mạng xã hội.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Giờ Trái Đất được WWF tổ chức vào năm 2009 với sự tham gia của sáu tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Trong các năm tiếp theo, chương trình đã được tổ chức trên toàn quốc với 63 tỉnh thành tham gia và hàng trăm ngàn cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hưởng ứng. Từ năm 2012-2019, Bộ Công thương là đơn vị chủ trì tổ chức Giờ Trái Đất với sự hỗ trợ kỹ thuật từ WWF. Kể từ năm 2020, Bộ Công thương đề nghị WWF đóng vai trò là nhà tổ chức chính của chiến dịch, với sự bảo trợ của Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Giờ Trái Đất năm nay sẽ diễn ra vào 28 tháng 3, lúc 8.30-9.30 tối.
2.GIỜ TRÁI ĐẤT CÓ GÌ MỚI?
Biến đổi khí hậu vẫn đang là một thách thức lớn đối với chúng ta. Nhưng hiện nay, có một vấn đề nghiêm trọng khác cũng đang diễn ra trên trái đất, đe doạ tới sự sống còn của các loài, trong đó có con người: mất đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên.
Trong suy nghĩ của nhiều người, thiên nhiên xa xôi và không liên quan tới cuộc sống của họ. Nhưng sự thực là thiên nhiên chính là một hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh và cho chúng ta tất cả những gì thiết yếu nhất để tồn tại, từ không khí chúng ta thở, nguồn nước chúng ta uống và thức ăn hàng ngày của chúng ta. Và quan trọng hơn cả, thiên nhiên chính là đồng minh mạnh mẽ nhất giúp chúng ta chống lại biến đổi khí hậu.
Chúng ta đang đưa hành tinh này đến bờ vực. Chỉ trong hơn 40 năm qua, quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm một cách đáng kinh ngạc – hơn 60%. Khí hậu trở nên bất ổn, sông biển cạn kiệt, đất cằn và rừng rỗng. Nhưng buồn thay, rất ít người hiểu được sự suy giảm của đa dạng sinh học sẽ tác động thế nào đối với cuộc sống hàng ngày của mình.
Chính vì vậy, kể từ 2018, Giờ Trái Đất trở thành chiến dịch nâng cao hiểu biết của mọi cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và thiên nhiên đối với cuộc sống hàng ngày của con người. Chúng ta cần phải hiểu tại sao thiên nhiên có vai trò sống còn đối với sức khoẻ, sự thịnh vượng và phát triển của loài người và tại sao chúng ta cần hành động ngay lập tức.
3.GIỜ TRÁI ĐẤT 2020 TẠI VIỆT NAM
3.1. Về mặt tổ chức
Theo công văn ủy nhiệm của Bộ Công Thương, từ năm 2020, GTĐ sẽ được WWF-Việt Nam đứng ra tổ chức. Chương trình GTĐ 2020 được bảo trợ bởi Bộ Công Thương và Bộ Tài Nguyên & Môi Trường.
3.2. Mục tiêu
Kêu gọi sự cam kết của chính phủ, và các bộ ngành có liên quan hướng tới những nỗ lực nhằm đảo chiều những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, tạo ra nền tảng cho những sáng kiến và hành động hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân thông qua việc thay đổi hành vi tiêu dùng liên quan đến năng lượng, đồ nhựa sử dụng một lần và động vật hoang dã trái phép.
3.3. Thông điệp
Sức mạnh của doanh nghiệp và cá nhân trong việc đảo ngược tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học thông qua hành vi tiêu dùng
Chúng ta đang sống trong thời đại trái đất thay đổi một cách nhanh chóng và không theo các tiền lệ. Với sự tiêu dùng gia tăng chưa từng có, dẫn đến gia tăng nhu cầu đột biến về năng lượng, đất và nước. Lần đầu tiên trong lịch sử trái đất, một loài duy nhất, loài người, có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên hành tinh này đến như vậy. Chúng ta là người sử dụng và cũng là người bảo vệ sức khỏe của hành tinh. Giờ Trái Đất năm nay, WWF-Việt Nam kêu gọi mọi người thay đổi hành vi tiêu dùng của mình trong những lĩnh vực có thể tạo ra ảnh hưởng lớn tới môi trường tự nhiên:
•Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo;
•Giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Chỉ sử dụng khi cần thiết;
•Không sử dụng động vật hoang dã bất hợp pháp.
3.4. Các hoạt động chính của Giờ Trái Đất 2022
3.4.1. Chiến dịch truyền thông mạng xã hội bắt đầu từ 12/3 đến 28/3
3.4.2. Toạ đàm ngày 28/3 trên kênh truyền hình VTV1 với thông điệp của Thủ tướng
3.4.3. Hoạt động kêu gọi cam kết trên trang web của WWF và tổng kết chiến dịch từ 28/3 đến 4/4
3.4.4. Truyền thông giáo dục công chúng thông qua 100 bức vẽ tại khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội
3.4.5. Truyền thông màn hình tại các khu thương mại, khu dân cư
3.4.6. Truyền thông qua người nổi tiếng - đại sứ của WWF.