(Tin Môi Trường) - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Thủ đô Hà Nội cũng như một số đô thị khác ở khu vực miền Bắc vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5, cao nhất trong năm (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau).
Chỉ khi thời tiết có sự thay đổi do có mưa hoặc tốc độ gió tăng, giảm tình trạng sương mù… thì chất lượng không khí mới có thể cải thiện. Bởi vậy, người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin về chất lượng không khí, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, hạn chế mở cửa sổ khi ở nhà.
Ảnh: IE
Trong 2 tháng đầu năm 2020, môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam bị ô nhiễm bởi thông số bụi mịn PM2.5, tuy nhiên mức độ ô nhiễm ở các đô thị có sự khác biệt. Theo số liệu kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục tại Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa do Tổng cục Môi trường quản lý; 10 trạm tại Hà Nội do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý; 1 trạm tại Hà Nội của Đại sứ quán Pháp và 2 trạm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh của Đại sứ quán Mỹ cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn đạt Quy chuẩn Việt Nam.
Một số đô thị khu vực miền Bắc như Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long, giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 cao hơn các khu vực khác. Thành phố Việt Trì cũng có 6 ngày trong tháng 2 có giá trị PM2.5 vượt giới hạn cho phép. Các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 về cơ bản vẫn đạt Quy chuẩn Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận từ ngày 6-16/1, giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt Quy chuẩn Việt Nam.
Khu vực Hà Nội vẫn tiếp tục có giá trị thông số bụi mịn PM2.5 cao nhất. Trong tháng 1, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ các trạm có 9 ngày vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam, riêng tháng 2 có tới 14 ngày vượt quy chuẩn. Từ 1/1-21/2, tại Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt, 9 ngày chất lượng không khí ở mức xấu, những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém. Có một số khoảng thời gian 1, 13, 14/1, 2 và 20/2, giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 tăng rất cao (vượt từ 2 - 3 lần giới hạn cho phép tại Quy chuẩn Việt Nam).
Từ 23-29/1, lượng phương tiện tham gia giao thông rất ít, các hoạt động sản xuất, dịch vụ… cũng hạn chế, giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 thấp hơn giới hạn Quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần, chất lượng không khí cơ bản ở mức tốt, chất lượng không khí có sự cải thiện đáng kể. Từ ngày 14/2-21/2, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20 và 21/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 ngày 20/2 vượt quá gần 3 lần giới hạn cho phép tại Quy chuẩn Việt Nam.
Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm ở Hà Nội từ 1/1-18/2 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (trên 100), riêng ngày 13/1 là ngày chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên với mức rất xấu ở đa số các trạm. Từ ngày 18/2-21/2, chất lượng không khí có xu hướng bị suy giảm, trong ngày 20 và 21/2, chỉ số AQI giờ ở mức rất xấu (trên 200) ở nhiều trạm. Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức nguy hại vào 2h sáng 21/2, toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.
Ngoài ứng dụng Air Visual (Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), đầu tháng 3/2020, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã triển khai ứng dụng công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên nền tảng thiết bị di động (Envisoft), là kênh thông tin chính thức của cơ quan quản lý môi trường cấp Trung ương. Ứng dụng Envisoft sẽ là công cụ hữu ích giúp cộng đồng có được những thông tin đầy đủ, cập nhật thường xuyên hơn về chất lượng không khí tại các khu vực.