(Tin Môi Trường) - Hình ảnh một phụ nữ được cho ở Kiên Giang ngang nhiên xẻ thịt rùa biển xanh (thuộc danh mục động vật quý hiếm) khiến nhiều bạn đọc 'sốc'. Nhưng cũng nảy ra cuộc tranh luận về ý thức bảo vệ động vật quý hiếm. Vì sao?
Đầu rùa và nội tạng của rùa bị người phụ nữ công khai bày bán- Ảnh chụp màn hình
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một phụ nữ bán cá được cho là tại chợ P.Pháo Đài, TP.Hà Tiên, Kiên Giang xẻ thịt một con rùa biển xanh để bán một cách công khai. Hình ảnh lan truyền và được chia sẻ, đặc biệt trong các diễn đàn bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Nhưng có ý kiến rằng, “người dân không biết nên vậy, chỉ mưu sinh thôi mà”. Ý kiến này làm dấy lên cuộc tranh luận về ý thức của người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã.
“Nghèo cho sạch”
Bạn đọc (BĐ) N.Đ.N (TP.HCM) đặt vấn đề: “Tuyên truyền ở đâu, đến người dân lao động không? “Chân lấm tay bùn”, đổ “mồ hôi mẹ”, chảy “mồ hôi con” để kiếm từng đồng sống qua ngày. Chữ nhiều người có khi còn không biết đọc nói gì hiểu biết luật lệ. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Người dân không lén lút làm thịt ở nhà, họ xẻ thịt giữa chợ Kiên Giang thì họ chắc chắn chẳng biết chút gì về quy định bảo vệ động vật quý hiếm. Những người chịu trách nhiệm trong vụ này chỉ là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương mà thôi”.
Tuy nhiên, quan điểm này của BĐ N. bị nhiều BĐ khác chỉ trích. “Vậy chứ “chân lấm tay bùn”, uống rượu vô chạy xe, có bị phạt mấy triệu không? Cứ phạt nặng là ai cũng phải tự tìm hiểu thôi. Thời buổi bây giờ nghèo cỡ nào cũng không thể nào chưa một lần nghe tin qua ti vi, báo đài. Nên đừng viện cớ nghèo không nghe được thông tin. Ngụy biện thôi!”, BĐ Đình Huệ (Long An) viết.
Theo BĐ Trần Hiếu (Vĩnh Phúc): “Việc yêu thương động vật, ngoài luật lệ là phạm trù đạo đức. Không thể chấp nhận việc, dân thì kêu “không biết gì, nên không có tội”; người nghèo thì viện cớ “cùng cực mới làm việc không tốt”... Đã có luật và cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trong chương trình giáo dục... Hình phạt cũng là một phương pháp để chấn chỉnh, giáo dục hành vi của người dân. Cha ông ta đã dạy “nghèo cho sạch”, chứ không dạy nghèo có quyền “hèn”.
Phạt nặng như phạt vi phạm nồng độ cồn
Đồng quan điểm, BĐ P.N.V (Tuyên Quang) cho rằng tuyên truyền nhiều rồi; chỉ có xử phạt thật nặng thì người dân mới sợ. “Cứ như uống rượu khi lái xe đó. Phạt chục triệu đồng trở lên là sợ liền. Giờ tiêu thụ động vật hoang dã cứ phạt 100 triệu đồng, đi tù vài năm, đăng tin rộng...”, Đình Huệ kiến nghị.
Một khía cạnh khác cũng được đặt ra trong câu chuyện này là “có cung ắt có cầu”. Do vậy, bên cạnh xử phạt người bán thì cũng xử phạt luôn “người mua”. BĐ Bảo Kỳ (Hà Nội) đề nghị: “Phải xử nghiêm khắc những người giết động vật quý hiếm để làm gương, cảnh tỉnh những kẻ khác”.
“Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng; cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, BĐ Nguyễn Văn Hải (TP.HCM) dẫn quy định pháp luật để khuyến cáo về mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật đối với người có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.