(Tin Môi Trường) - Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, không khí trong nhà thường có thể bị ô nhiễm gấp 2 đến 5 lần so với không khí ngoài trời.
Hãy chăm chút để ngôi nhà luôn lưu thông không khí trong lành bạn nhé- Ảnh minh họa: Shutterstock
Ô nhiễm không khí ngoài trời gia tăng với các yếu tố như khí thải xe cộ, đốt nhiên liệu hóa thạch và khí thải công nghiệp, đáng lo ngại khiến bạn muốn ở trong nhà càng nhiều càng tốt.
Nhưng thực tế, không khí trong nhà thường có thể bị ô nhiễm gấp 2 đến 5 lần so với không khí ngoài trời. Mà "trung bình, chúng ta dành khoảng 90% thời gian ở trong nhà", Abby Lemon, kỹ sư ứng dụng tại Filtrete, chia sẻ với Forbes.
Điều gì gây ra ô nhiễm không khí trong nhà?
Các nguồn ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất bao gồm amiăng, khí thải carbon monoxide từ hệ thống sưởi và bếp gas, radon, nấm mốc, khói thuốc lá và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) trong các vật dụng gia đình như chất khử trùng, xịt phòng, sơn, thảm, chất kết dính, thuốc trừ sâu và chất bảo quản gỗ, theo Forbes.
Ngoài ra, không thông gió đủ khiến các chất gây dị ứng và ô nhiễm bị tù đọng, nhiệt độ và độ ẩm cao, sống gần đường đông đúc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà.
Bác sĩ Payel Gupta, trợ lý giáo sư lâm sàng tại Trung tâm y tế SUNY Downstate, Brooklyn (Mỹ) và người phát ngôn của Hiệp hội Phổi Mỹ, phát biểu trên Forbes: "Vì nhiều chất gây ô nhiễm này không mùi, bạn sẽ không biết rằng có gì đó không ổn cho đến khi bắt đầu gặp phải các triệu chứng".
Không khí trong nhà bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Bác sĩ Payel Gupta cho biết các tác động ngắn hạn thường gặp của ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm khô và kích ứng mắt, mũi, họng và da, đau đầu, mệt mỏi, khó thở, mẫn cảm và dị ứng, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, thậm chí, chóng mặt, theo Forbes.
Trong khi đó, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác có thể phát triển sau thời gian phơi nhiễm kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Những ảnh hưởng lâu dài này bao gồm bệnh hô hấp (hen suyễn, viêm phổi quá mẫn, viêm phế quản) tệ hơn, bệnh tim, ung thư phổi và tử vong sớm. "Tiếp xúc kéo dài với không khí ô nhiễm trong nhà cũng liên quan đến trẻ sơ sinh nhẹ cân", bác sĩ Gupta nói thêm trên Forbes.
Cần làm gì để hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà?
1.Loại nguồn ô nhiễm
Một trong những cách hiệu quả nhất là loại bỏ các nguồn ô nhiễm riêng lẻ hoặc giảm lượng khí thải của chúng. "Điều này bao gồm dùng các phương pháp diệt trừ không độc hại để loại bỏ sâu bệnh, sàn nhà trải thảm mức tối tiểu để giảm mạt bụi, giặt vải lanh trong nước nóng, làm sạch thảm bằng máy hút bụi lọc HEPA ít nhất 1 lần/tuần và dùng chất tẩy rửa gia dụng không độc hại, không mùi hương", bác sĩ Gupta khuyên, theo Forbes.
Bên cạnh đó, nên điều chỉnh bếp gas, lắp đặt hệ thống thông gió nhà bếp để giảm lượng khí thải. Ngoài ra, "tháo giày trước cửa để đảm bảo rằng bạn không mang phấn hoa hoặc các tác nhân gây dị ứng khác vào nhà", kỹ sư Abby Lemon bổ sung.
2.Giảm tiếp xúc với carbon monoxide
Các thiết bị sưởi ấm như lò sưởi, bếp củi, máy nước nóng và hệ thống sưởi ấm trung tâm là một số nguồn phát thải carbon monoxide phổ biến nhất trong nhà. Quan trọng là đảm bảo rằng tất cả các thiết bị đốt được duy trì và điều chỉnh đúng cách để giảm thiểu khói độc. Hãy chắc chắn rằng cửa của chúng được kiểm tra chuyên nghiệp, làm sạch và điều chỉnh mỗi năm một lần, theo EPA.
3.Loại bỏ nấm mốc
Quản lý mức độ ẩm trong nhà của bạn, đặc biệt là trong các khu vực như nhà bếp và phòng vệ sinh. "Bật quạt thông gió trong phòng tắm ngay sau khi tắm để giúp loại bỏ độ ẩm trong phòng", kỹ sư Lemon gợi ý.
4. Hạn chế radon
Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên, không mùi và không màu, đặc biệt trong các khu vực như gác xép và tầng hầm. Hít phải radon là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc lá và là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ung thư phổi, theo EPA. Kết hợp các biện pháp trong danh sách này là cách tốt để giảm mức randon.
5.Thông gió
Thông gió giúp đẩy các chất gây ô nhiễm và dị ứng ra bên ngoài, đón khí trong lành vào nhà. Kể cả khi trời lạnh cũng nên thỉnh thoảng mở cửa sổ và bật quạt, EPA cho biết. Nhưng nếu nhà sống gần đường đông đúc thì tránh mở cửa sổ vào giờ cao điểm.
6.Chăm sóc thú cưng kỹ càng
Tế bào da chết bị động vật thải ra là một thủ phạm phổ biến khác đằng sau ô nhiễm không khí trong nhà. Hãy thường xuyên chải lông cho thú cưng và hút bụi thảm, sàn và đồ đạc bằng máy hút bụi với bộ lọc HEPA, theo Forbes.
7.Máy lọc không khí hoặc cây xanh
Sử dụng máy lọc không khí là một cách hiệu quả khác để xử lý không khí lưu cữu. Hay có thể trồng cây trong nhà để khử độc không khí một cách tự nhiên.
"Các loại cây như hoa huệ hòa bình, lưỡi hổ, trầu bà, thường xuân, vạn lộc và cây cao su là lựa chọn tuyệt vời vì chúng giúp làm sạch không khí bằng cách giảm thiểu tác động của các chất ô nhiễm như formaldehyd, amoniac và carbon monoxide", kỹ sư Lemon nói trên Forbes.