Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu quốc gia của WWF về chất thải rắn và rác thải nhựa
(21:08:39 PM 27/12/2019)
(Tin Môi Trường) - Thiếu nguồn lực và năng lực cũng như chưa có sự phối hợp quyết liệt của các bên liên quan trong thực thi pháp luật về quản lý chất thải rắn; nhận thức cộng đồng chưa cao về bản chất và tác hại của rác thải nhựa; không nắm rõ các quy định pháp lý về chất thải rắn và bảo vệ môi trường trong kinh doanh; tái chế rác thải nhựa chưa có cơ chế vận hành hiệu quả là một số nguyên nhân chính khiến việc quản lý và xử lý rác thải rắn trong đó có rác thải nhựa tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ảnh: TL
Đây là những kết luận chính được WWF công bố trong hội thảo “Kết quả nghiên cứu về chất thải rắn, rác thải nhựa tại Việt Nam và hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa tại địa phương” ngày 26 tháng 12 năm 2019. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Dự án “Đô thị giảm nhựa” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Na-Uy tài trợ, với sự tham gia của 60 đại diện từ các sở ban ngành của 10 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Tại hội thảo, WWF đã chia sẻ những kết quả đánh giá về công tác quản trị chất thải rắn tại cấp trung ương và địa phương; khảo sát nhận thức, quan điểm và thói quen thải loại rác nhựa của gần 400 hộ gia đình, trên 300 hộ kinh doanh quy mô nhỏ và 300 đối tượng thu gom rác tại những khu vực ven biển và kênh rạch tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát thành phần của gần 200 mẫu chất thải rắn tại 4 tỉnh thành nói trên và tại tỉnh Phú Yên nói riêng cũng được chia sẻ tại hội thảo.
Nghiên cứu của WWF và các chuyên gia cho thấy công tác quản trị chất thải rắn còn nhiều khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực và chung tay từ các cấp, các ngành. Dù khung pháp lý của Việt Nam về quản lý chất thải rắn tương đối đầy đủ so với các nước trong khu vực và đang từng bước được kiện toàn; tuy nhiên nguồn lực, năng lực thực thi và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan vẫn là những vấn đề còn nhiều vướng mắc cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng chưa cao; hơn 50% các hộ kinh doanh quy mô nhỏ thiếu hiểu biết về bản chất của nhựa, tác động của rác thải nhựa và tình trạng rò rỉ rác nhựa ra môi trường; 63% số hộ kinh doanh không nắm được bất cứ một quy định pháp lý nào về chất thải rắn và bảo vệ môi trường và thờ ơ với vấn đề rác thải nhựa diễn ra xung quanh mình.
Hiện vẫn còn khoảng 5 – 9% các hộ dân đổ thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến tỷ lệ rác nhựa thất thoát ra môi trường ước tính khoảng từ 8 -10%, tương đương 0.4 – 0.7 triệu tấn vào năm 2019. Ước tính khoảng 25% rác thải nhựa tại Việt Nam được quay lại thị trường tái chế thông qua con đường phi chính thức. Kết quả này phù hợp với những nghiên cứu trước đây về lượng rác nhựa thất thoát ra môi trường và tỷ lệ tái chế tại Việt Nam của các tổ chức quốc tế.
Khảo sát sự ủng hộ của người dân với 14 chính sách tiềm năng về giảm rác nhựa cho thấy người dân đặc biệt ủng hộ 3 chính sách: cấm và phạt với hành vi xả thải bừa bãi (63% ủng hộ); truyền thông giáo dục về rác thải nhựa (gần 50% ủng hộ); hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần (41%). Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu hiện trạng phát sinh và quản lý rác thải, WWF cùng các chuyên gia đã hướng dẫn các tỉnh thành xác định những chính sách về giảm thiểu rác thải nhựa và hoạt động nâng cao nhận thức, công tác giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương và nguồn lực hỗ trợ từ các bên liên quan, trong đó có WWF.
Là một đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế. Trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong các nước xả thải nhựa ra đại dương nhiều nhất. Có thể nói, chính sự tiện lợi và giá thành rẻ của các sản phẩm bằng nhựa đã góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam và tạo nên khối lượng rác nhựa khổng lồ. Trong khi đó, việc xử lý rác thải nhựa và hệ thống tái chế đồ nhựa ở Việt Nam nói riêng hay trên thế giới nói chung đang chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Hội thảo là một trong những hoạt động được WWF triển khai thông qua dự án “Đô thị giảm nhựa – Plastic Smart Cities”. Dự án nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại một số tỉnh/thành phố tại Việt Nam từ nay đến năm 2021. Dự án bao gồm 04 nhóm hoạt động: (i) khảo sát hiện trạng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động giảm ô nhiễm rác nhựa tại các thành phố được lựa chọn; (ii) hỗ trợ liên kết các ngành có liên quan đến sử dụng và thải loại nhựa; (iii) hỗ trợ thực hiện các mô hình thí điểm giảm nhựa tại những khu vực được lựa chọn tại các thành phố; và (iv) truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Dự án nằm trong chương trình “Đô thị giảm nhựa” cấp toàn cầu với mục tiêu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, dự án mong muốn tạo ra mạng lưới kết nối 25 đô thị không rác thải nhựa tại Đông Nam Á vào năm 2025; là bước đệm để đạt được con số 1.000 đô thị không rác thải nhựa trên toàn thế giới vào năm 2030.