Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Về thăm dòng kênh "Tình anh bán chiếu"

(19:48:19 PM 03/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy. Cô gái năm xưa sao chẳng thấy ra... chào” - đoạn vô vọng cổ thật mùi nói trên của nghệ sĩ Út Trà Ôn trong bài Tình anh bán chiếu quá quen thuộc với số đông bà con vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

 

Nhưng có lẽ không mấy người biết đích xác đâu là “bờ kênh Ngã Bảy” trong bài ca cổ, nơi để lại nỗi sầu tê tái cho chàng bán chiếu si tình.

 

 

Nơi từng là chợ nổi Phụng Hiệp cũ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

 

Từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A về hướng Sóc Trăng chừng 30km là tới thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Từ thị trấn huyện “lên” thị xã từ năm 2006, Ngã Bảy nay phố thị sầm uất, trên bến dưới thuyền.

 

Ngôi sao Phụng Hiệp

 

 

Lung Ngọc Hoàng hiện là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học quý hiếm của đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất trũng thuộc địa phận xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), có diện tích khoảng 6.000ha.

 

Đứng trên cầu Phụng Hiệp nhìn qua phải là sông nước mênh mông, với phố chợ bao quanh như một vòng xoay và các con kênh tỏa ra năm hướng khác nhau thành hình ngôi sao, mỗi cánh sao chạy xa mút tầm mắt. Nhìn qua bên trái cầu Phụng Hiệp cũng có hai cánh sao, một cánh là con sông Cái Côn chảy dưới cầu, trổ thẳng băng một lèo ra sông Hậu; cánh kia là con kênh tẻ một đường bên phải sông Cái Côn trổ qua huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

 

Năm ngả kênh bên phải và hai bên trái cầu Phụng Hiệp là bảy hướng thủy lộ với tâm điểm là “vòng xoay” quanh chợ Ngã Bảy. Vì thế người Pháp ngày xưa khi thành lập đơn vị hành chính Ngã Bảy - Phụng Hiệp (khoảng năm 1915-1917) thường gọi đây là “ngôi sao Phụng Hiệp”.

 

Vẫn đứng trên cầu Phụng Hiệp nhìn về phía ngã năm, mé trái vòng xoay có một doi đất nhô ra giữa sông, nơi bờ kè bêtông đang được xây quanh để chống xói lở. Dân địa phương thường gọi đó là Doi Cát hoặc Doi Tiều (vì xưa kia ở đây toàn cát và là nơi người Hoa gốc Triều Châu tập trung sinh sống). Đó chính là nơi ghe chiếu Cà Mau năm xưa cắm sào trên bến đợi.

 

Theo tư liệu của Ban tuyên giáo Thị ủy Ngã Bảy, khoảng năm 1960 soạn giả Viễn Châu trên đường từ Bạc Liêu về Sài Gòn, tới cầu Phụng Hiệp thì xe đò bị hư nên dừng lại sửa. Trong khi chờ đợi, ông thả bộ ra Doi Cát, ở đó có một chàng trai ôm đôi chiếu bông ngồi mệt nhọc giữa trưa nắng, trước căn nhà cửa đóng kín, dáng vẻ như chờ đợi ai đã lâu. Ông hỏi lý do, chàng bán chiếu cho biết cô chủ nhà đặt làm đôi chiếu bông, bữa nay anh từ Cà Mau lên giao chiếu nhưng chẳng rõ cô chủ đi đâu đành ngồi đợi.

 

Chuyện chỉ có vậy nhưng soạn giả Viễn Châu cứ nghiền ngẫm hoài. Ông nhủ bụng “sao mình không cho anh ta một mối tình?”. Vậy là trên đường về Sài Gòn, ông viết xong bài Tình anh bán chiếu, kể lại câu chuyện tình đơn phương của chàng trai thương hồ Cà Mau với cô gái xinh đẹp bên dòng kênh Ngã Bảy. Sau đó, với giọng ca “tê tái” của nghệ sĩ Út Trà Ôn, bài hát đã ăn sâu vào lòng người và địa danh Ngã Bảy dần trở nên quen thuộc.

 

 

 

Bảy ngã từ đâu tới?

 

Thật ra Ngã Bảy - Phụng Hiệp từ lâu đã là đầu mối giao lưu buôn bán của ghe thuyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong Lịch sử khẩn khoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam viết: “Giữa Cần Thơ, Sóc Trăng và ranh tỉnh Rạch Giá còn một cánh đồng bát ngát, nước ngọt, không quá thấp như Đồng Tháp Mười, không quá sình lầy và nhiều phèn. Đó là cánh đồng sau này trở thành quận Phụng Hiệp, đầy lau sậy, có voi (voi ăn sậy và lau).

 

Thoạt tiên người Pháp gọi đó là “đồng Sậy” (Plaine des Roseaux)”. Thấy được tiềm năng vùng đất này, từ năm 1901 người Pháp bắt đầu cho đào kênh Mương Lộ dài 20km nối Sóc Trăng với Phụng Hiệp. Cái tên Mương Lộ đơn giản là đất đào dưới mương đưa lên đắp thành con lộ.

 

Sau đó, năm 1908 Pháp tiếp tục đào mở rộng rạch Xẻo Vông chạy thẳng về sông Ba Láng nối với Cần Thơ, cũng lấy đất dưới mương lên đắp lộ. Cách làm này “nhất cử lưỡng tiện” vì vừa dẫn nước ra vô những khu vực khẩn hoang, vừa lấy đất làm lộ chạy dài từ Cần Thơ tới Sóc Trăng.

 

Ông Đặng Hồng, 82 tuổi, nguyên trưởng ty văn hóa thông tin tỉnh Cần Thơ (cũ), sống ở vùng này từ năm 8 tuổi, nhớ lại: “Hồi đó con lộ này hẹp té, bề ngang có 4m, mặt lộ đất đá lồi lõm, xe chạy ngược chiều phải tấp vô lề né nhau. Mỗi ngày cũng chỉ có hai chiếc “lôcaxông” của hãng xe đò Tân Thành, Vạn Lợi đốt bằng than đá chạy khứ hồi Ngã Bảy - Cần Thơ. Sau có thêm xe Phước Hiệp chạy tuyến Ngã Bảy - Sài Gòn.

 

Trên lộ thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe đạp. Nhà cửa hai bên thưa thớt, cả trăm thước mới có một vài cái. Pháp gọi là lộ Đông Dương”. “Lộ Đông Dương” nay là quốc lộ 1A từ Cần Thơ về Sóc Trăng với tuyến kênh Mương Lộ - Xẻo Vông chạy cặp theo suốt tuyến và hai ngả kênh gặp nhau ở “vòng xoay” Ngã Bảy.

 

Cũng trong thời gian này, người Pháp đào kênh Cái Côn dài 16km nối liền sông Hậu vô đồng sậy Phụng Hiệp, chiều ngang kênh cả trăm mét nên người dân gọi là sông. Tới gần mang cá cầu Phụng Hiệp, kênh Cái Côn được xẻ một nhánh nhỏ về hướng huyện Kế Sách và được đặt tên là Mang Cá do nằm gần mang cá của cầu!

 

Đến năm 1914 kênh Quản Lộ được đào từ Cà Mau qua Bạc Liêu thẳng lên Phụng Hiệp, nối với kênh Cái Côn ra sông Hậu, từ đó qua ngả Trà Ôn (Vĩnh Long) ghe thuyền về thẳng Sài Gòn. Con kênh dài 140km này rút ngắn khoảng cách đường sông từ Cà Mau về Sài Gòn rất nhiều, bởi không phải đi qua Đại Ngãi (Sóc Trăng), Mỏ Cày (Bến Tre) quanh co lại nguy hiểm.

 

Ngoài ra, kênh Quản Lộ còn quy tụ người dân đổ về sinh sống, trồng trọt cặp bờ kênh, mở mang thêm vùng đất mới. Vì nối với Phụng Hiệp nên kênh còn được gọi là Quản Lộ - Phụng Hiệp, lại có người gọi là kênh Phó Đường vì ngày xưa vùng này có ông phó hương quản tên Đường; chưa hết nó còn được gọi là kênh Búng Tàu vì chạy thẳng vào thị trấn Búng Tàu của huyện Phụng Hiệp (mới).

 

Kênh Lái Hiếu dài 25km cũng được đào thời gian này, bắt đầu từ Phụng Hiệp qua Long Mỹ, nối vô sông Cái Lớn ở Rạch Giá (Kiên Giang), xuyên qua Lung Ngọc Hoàng, một vùng đất hoang vu rộng hàng ngàn hecta ban đầu chỉ toàn lau sậy trở thành đất trồng trọt màu mỡ. Kênh được đặt tên một lái buôn trong vùng quen gọi là lái Hiếu.

 

Thị xã Ngã Bảy ngày nay vẫn còn phường Lái Hiếu cặp bờ kênh cùng tên. Kế tiếp là kênh Xẻo Môn được đào sâu vào cánh đồng thuộc xã Hòa Mỹ, thoạt đầu nó chỉ là cái xẻo (rạch nhỏ) mọc toàn môn nước nên được gọi là Xẻo Môn.

 

Nhà văn Sơn Nam viết: “Cánh đồng Phụng Hiệp lần hồi có nhiều kênh quy tụ về một trung tâm gọi là Ngã Bảy (Etoile de Phụng Hiệp)”. Đó là bảy ngã kênh, gồm: Mương Lộ, Xẻo Vông, Cái Côn, Mang Cá, Quản Lộ (Phó Đường hoặc Búng Tàu), Xẻo Môn và Lái Hiếu.

 

 

Chợ nổi Ngã Bảy hiện đã được di dời về kênh Ba Ngàn - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

 

Chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp

 

Sau khi hoàn thành cụm kênh Ngã Bảy (khoảng năm 1914), đường thủy thông thương, ghe tàu Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá đi lên, Vĩnh Long, Cần Thơ qua lại ngày càng nhiều, người dân chở nông sản, rau củ, trái cây tụ lại ở vùng này trao đổi, buôn bán.

 

Lúc đó trên bờ chưa có chợ, ghe xuồng đậu thành nhóm, “tiếp thị” bằng cây sào cắm trước mũi treo đủ loại sản vật mời chào người mua. Chiếu Cà Mau, than đước Năm Căn, cá khô, mắm đồng, muối hột Bạc Liêu, khóm Cầu Đúc… cũng tập trung về đây, lần hồi thành khu chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp. Thời thịnh nhất vào những năm 1990, có lúc chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp tập trung trên 3.000 ghe tàu buôn bán mỗi ngày.

 

Những dịch vụ “ăn theo” cũng nở rộ: len lỏi qua những chiếc ghe bầu cỡ lớn là những xuồng nhỏ bán cháo, hủ tiếu, chè, nước giải khát, cà phê…

 

Đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách, dân chợ nổi sáng tạo những dịch vụ “nổi” độc đáo: trạm xăng lưu động; tiệm may giữa sông, khách cần sửa, vá, may đo quần áo “ới” cái có liền; tiệm tạp hóa lưu động bán đủ thứ lặt vặt; có cả thợ họa hình, thợ cưa máy, thợ mài dao kéo…, thiến heo “nổi”, thậm chí có cả... quán nhậu trên ghe!

 

Ông Đặng Hồng nhớ lại: “Cầu Phụng Hiệp xưa làm bằng sắt, có hệ thống quay nên gọi cầu Quay. Hồi đó có ba tàu khách lớn chạy tuyến Sài Gòn - Cà Mau - Nam Vang, ống khói bự chảng cao nhòng, mỗi lần tàu qua phải quay cầu vô bờ rồi quay ráp lại. Khi tàu tới “rún” bảy ngã thì xuống khách, hàng chục chiếc đò dọc tấp vô đón. Đò có mui ống tròn, gắn bốn mái chèo, đi đường dài vô các vùng Ngã Tư, Cây Dương, Ba Trinh, Long Thạnh… bên trong có chiếu, gối cho khách nằm nghỉ.

 

Rồi cũng có đò đưa khách trong đồng ra lên tàu lớn nên khung cảnh càng thêm nhộn nhịp. Những đêm trăng sáng, sóng nước mênh mông, xuồng ghe đưa đón khách trong cảnh buôn bán về đêm tấp nập, giọng rao lảnh lót xen lẫn tiếng đờn ca vọng cổ, tiếng nước vỗ oàm oạp vô mạn thuyền làm cho Ngã Bảy càng thêm trữ tình, thơ mộng”.

 

Năm 1987, chợ nổi Ngã Bảy xuất hiện một món ăn tinh thần độc đáo và mới lạ: thuyền văn hóa. Đó là một chiếc thuyền lớn như đò khách, trên có dàn âm thanh, ánh sáng, đầy đủ nhạc cụ tân cổ như một sân khấu biểu diễn. Hằng tuần, đội thông tin lưu động huyện Phụng Hiệp theo thuyền văn hóa tới một xã “vén màn” ca hát, tấu hài, diễn kịch ngắn, chập cải lương, chiếu phim video phục vụ miễn phí bà con.

 

Thuyền còn tuyên truyền cổ động kế hoạch hóa gia đình, tuyển quân, bầu cử, tình làng nghĩa xóm… đi tới đâu cũng được dân chúng hoan nghênh rần trời. Sau đó các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang… cũng làm theo.

 

Nhưng từ năm 2002 trở về sau, lộ giao thông phát triển, mô hình thuyền văn hóa lui dần vô dĩ vãng. Còn chợ nổi Ngã Bảy cũng trở nên chật chội vì ghe thuyền quá đông. Để thông thoáng giao thông thủy và tránh ô nhiễm môi trường, địa phương đã dời chợ tới vàm kênh Ba Ngàn cách đó 3km về hướng kênh Cái Côn.

 

Đô thị Ngã Bảy

 

Theo tư liệu của Ban tuyên giáo Thị ủy Ngã Bảy, khi mới thành lập (khoảng năm 1915-1917), làng Phụng Hiệp chỉ có vài chục nóc nhà nhưng có tới năm bảy trăm nhân công do Pháp mộ về đào kênh. Năm 1920 chợ Ngã Bảy được xây dựng, là một nhà lồng nhỏ nằm ở Doi Đò (đường Trần Hưng Đạo ngày nay) và chỉ có một trường học dạy từ lớp năm tới lớp nhì (lớp 1 tới lớp 4 ngày nay), đường sá chỉ mới có con lộ Đông Dương nói trên.

 

Ngã Bảy - Phụng Hiệp nay là một đô thị vùng sông nước với hàng ngàn nóc nhà bêtông dọc các bờ kênh. Cầu Phụng Hiệp hiện đại với bốn làn xe, chợ Ngã Bảy sầm uất, một “phố ngân hàng” ngay cửa ngõ vào thị xã… Để phát huy thương hiệu chợ nổi, khu siêu thị Co-op Mart đang được triển khai trên bờ kênh Cái Côn để kết hợp mua bán hàng hóa, nông sản trên bờ và dưới sông.

 

“Sẽ có các dịch vụ du lịch tham quan chợ nổi kết hợp tìm hiểu nét văn hóa sông nước xưa, kể cả đờn ca tài tử cải lương ngay trên thuyền - ông Nguyễn Văn Phil, trưởng Ban tuyên giáo Thị ủy Ngã Bảy, cho biết - Nhưng đáng nói nhất là những dự án giao thông đang triển khai để nối mạng bảy tuyến đường bộ y như bảy ngả sông tỏa về các hướng.

 

Đường 927 cặp kênh Lái Hiếu đã hoàn thành đi Cây Dương qua Vị Thanh để tới Gò Quao, Giồng Riềng (Kiên Giang). Đường Mang Cá - Kế Sách (Sóc Trăng) đang hoàn thiện để nối vô vùng nguyên liệu trái cây. Tuyến quốc lộ 1A Cần Thơ - Ngã Bảy - Sóc Trăng cặp kênh Mương Lộ đã hoàn thành, xe đi chỉ mất một giờ so với trước đây tới 3-4 giờ.

 

Đặc biệt tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp nối Ngã Bảy với Cà Mau đã thông xe đi tới Ngã Năm - Bạc Liêu rút ngắn được hơn 50km. Như vậy, nhà đầu tư tới Ngã Bảy làm ăn chỉ mất 30 phút ngồi xe từ Cần Thơ. Về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau chỉ mất thêm 30 phút tới hai giờ”.

 

Cũng theo ông Phil, tuyến đường 927C nối Ngã Bảy với đường Nam Sông Hậu cặp kênh Cái Côn đã được triển khai, khi hoàn thành sẽ kéo đô thị sông nước này lại gần Khu công nghiệp Sông Hậu, cảng Cái Cui, thuận lợi hơn cho việc đưa hàng nông sản vùng bán đảo Cà Mau về TP.HCM hoặc xuất khẩu. Nó có vai trò giống như việc đào kênh Cái Côn ngày xưa: nối đồng sậy Phụng Hiệp với Vĩnh Long, Tiền Giang và TP.HCM.

 

DƯƠNG THẾ HÙNG