(Tin Môi Trường) - Ngày 26/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo Tham vấn lấy ý kiến đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Giao diện FB của Trung tâm Truyền thông Cộng đồng Môi trường (CPECO) - https://www.facebook.com/trungtamtruyenthongcongdongmoitruong
Tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Đoàn, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay mỗi ngày trên cả nước phát sinh 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó những địa phương có khối lượng phát sinh lớn là Thành phố Hồ Chí Minh (9.100 tấn/ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày). Phân loại chất thải rắn sinh hoạt chỉ mới được thực hiện tại một số địa phương, còn mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao. Tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt còn chiếm tới 71% (với 900 bãi chôn lấp), chỉ có 16% xử lý bằng phương pháp phân compost và 13% bằng phương pháp đốt (380 lò đốt).
Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tốn nhiều quỹ đất, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhập khẩu không phù hợp với thực tế; chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, nhiều trạm trung chuyển gây mùi khó chịu. Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang được giao cho nhiều đầu mối ở cả Trung ương và địa phương. Người dân nhiều nơi vẫn còn xả rác chưa đúng quy định, nhất là vào kênh, mương, ao hồ, chưa tích cực tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
Trước những tồn tại trên, ông Đỗ Tiến Đoàn đề xuất việc thống nhất đầu mối quản lý chất thải rắn từ Trung ương và địa phương, xây dựng tiêu chí công nghệ để các địa phương lựa chọn, hoàn thiện phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời triển khai bắt buộc việc phân loại tại nguồn tại các đô thị.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Công nghệ mới cho rằng, các công nghệ xử lý chất thải rắn hiện nay vừa có lợi thế nhưng cũng có nhiều hạn chế. Cụ thể, công nghệ chôn lấp có ưu điểm đơn giản, triển khai nhanh, suất đầu tư thấp nhưng lãng phí quỹ đất, gây ô nhiễm môi trường; công nghệ ủ phân compost triển khai nhanh, tạo ra được thêm sản phẩm nhưng công đoạn phức tạp, phát sinh nhiều mùi hôi, thời gian ủ phân lâu. Công nghệ đốt tiêu hủy, công nghệ khí hóa điện, công nghệ đốt phát điện có ưu điểm xử lý nhanh, ít sử dụng quỹ đất nhưng suất đầu tư và chí phí vận hành cao, chỉ phù hợp ở các đô thị lớn.
Là địa phương có chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày lớn nhất cả nước, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về những kinh nghiệm cũng như các thách thức mà thành phố đang phải đối mặt. Theo đó, ngày 19/10/2018 Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TU về cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch, giảm ngập nước”. Cuộc vận động đã được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố một cách đồng bộ, thống nhất, thường xuyên với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội, tạo chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, xóa các điểm ô nhiễm do rác thải. Nhiều mô hình, cách làm hay đã được phát hiện, áp dụng phát huy hiệu quả cao.
Tuy nhiên, hiện nay để thay đổi thói quen hành vi xả rác của người dân là quá tình lâu dài, đòi hỏi việc tuyên truyền vận động cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TU của Ban Thường vụ Thành uỷ thành phố; tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường; truyền thông đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khuyến khích sử dụng túi, bao bì nylon dễ phân hủy và thân thiện với môi trường. Thành phố tiếp tục triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, sắp xếp lại hoạt động lực lượng thu gom rác dân lập; xây dựng các trạm trung chuyển ép rác khép kín, tiên tiến hiện đại đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang công nghệ đốt phát điện; đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên vùng.
Dưới góc độ truyền thông, anh Bùi Tiến Dũng, phóng viên Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc "đánh thức" công chúng về những vấn đề môi trường, thay đổi hành vi của công chúng thông qua phương thức phản ánh, phân tích dự báo, cảnh báo, điều tra, phản biện. Trong quá trình đó, báo chí tránh thông tin gây hoảng loạn, tạo không khí tiêu cực hoặc sự chủ quan, thái độ thờ ơ của công chúng về vấn đề môi trường mà phải phân tích phản biện và tìm giải pháp. Muốn thực hiện được điều này, ngoài yếu tố cá nhân người viết cần có sự phối hợp, tham gia của cơ quan tổ chức trong đó có sự chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin hoặc gợi mở định hướng thông tin về vấn đề môi trường.
Còn theo ông Trần Phong, Quyền Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường: Cán bộ làm công tác môi trường nên cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu chính xác cho phóng viên, trao đổi từ hai phía để làm rõ vấn đề cũng như đơn giản hóa các thuật ngữ và các vấn đề khó hiểu để công chúng có thể nắm bắt được. Bên cạnh đó, các quan điểm đưa ra trước báo giới cần có lập luận, dựa trên những tài liệu và minh họa cụ thể, có thực tiễn thuyết phục và cần thiết có sự phản hồi cho công chúng trước các thông tin báo chí phản ánh..