Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo tồn cây di sản-Hình thức bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả

(12:32:19 PM 28/11/2019)
(Tin Môi Trường) - Sau gần 10 năm thực hiện sáng kiến bảo tồn cây di sản ở Việt Nam đã được cộng đồng hưởng ứng, trở thành hình thức bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

 

 Bảo tồn cây di sản-Hình thức bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhậnnCây Di sản Việt Nam đối với cây thị và cây gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc (Quảng Yên, Quảng Ninh)
 
* Ý nghĩa thiết thực về bảo tồn
 
Năm 2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động chương trình bảo tồn cây di sản Việt Nam. Sáng kiến này có ý nghĩa thiết thực về bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững, đáp ứng sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng các nước và các tổ chức quốc tế về bảo tồn.
 
Đến nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận được trên 4.000 cây thuộc hơn 100 loài thực vật ở 52 tỉnh/thành phố. Từ vùng địa đầu Tổ quốc (Hà Giang, Cao Bằng), vùng cao Phan-xi-păng đến vùng cực Nam Côn Đảo; từ Tây Nguyên tới đảo Lý Sơn và quần đảo Trường Sa; từ đất Tổ Hùng Vương đến Cố đô Hoa Lư và Cố đô Huế đều có cây di sản được công nhận. Đặc biệt, trong hai năm 2015-2016, rất nhiều quần thể, tập đoàn cây với số lượng lớn đã được công nhận là cây di sản Việt Nam như: Quần thể Pơmu huyện Tây Giang (Quảng Nam), chè Shan Tuyết Suối Giàng (Yên Bái), cây Nghiến ở Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), cây Kơ-nia ở khu rừng B58 do Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước quản lý, cây Đa trên đảo Dấu (thành phố Hải Phòng); tập đoàn cây Xích Tùng Yên Tử (Quảng Ninh), cây Lim ở Đền Và (Hà Nội)…
 
Một số cây di sản Việt Nam có tuổi đời cao, dáng hùng vĩ, kỳ thú, thuộc nguồn gen quý hiếm như 2 cây Táu ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì, Phú Thọ) trên 2.000 năm, cây Nghiến 1.000 năm tuổi ở Bắc Hà (Lào Cai); cây Thông (Bắc Giang), cây Tùng (Đắk Lắk), cây Chò Chỉ ở Bắc Mê (Hà Giang) với đường kính thân hơn 3 m; cây Sa-mu dầu ở khe Bu (Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An) cao tới 73 mét, đường kính thân hơn 4,5 mét; cây Đỗ Quyên cành thô Phan-xi-păng (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) là loài cây đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, cây Sộp và cây Khế cảnh 350 năm tại Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Cao Lãnh, Đồng Tháp); cây nhiều thân có rễ phụ như cây Đa ở đền Thượng (Lào Cai) chu vi lớn nhất tới 45 m; cây vươn cao tỏa bóng sát biên giới như: cây Sấu ở bản Nà Sác (Hà Quảng, Cao Bằng) trùm lên cột mốc 651 biên giới Việt-Trung.
 
Sự kiện vinh danh cây di sản Việt Nam không chỉ nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn khẳng định những dấu tích lịch sử vinh quang lâu đời của dân tộc Việt Nam. Một số dẫn chứng như cây Me trong khuôn viên Chùa Tả Quan, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng trên 200 tuổi gắn với câu chuyện tương truyền về nhà Tây Sơn khi thất bại có một danh tướng về chùa Tả Quan “xuống tóc đi tu mai danh ẩn tích”. Nếu chứng minh được giả thiết cho rằng, có mối liên hệ giữa cây Me trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) với cây Me ở Chùa Tả Quan (Hải Phòng) quả là một khám phá bất ngờ và đóng góp lớn cho lịch sử. Hàng Duối ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội là nơi buộc voi và ngựa chiến của vua Ngô Quyền. Hai cây Táu ở Thiên Cổ Miếu, thành phố Việt Trì là nơi thờ thầy giáo có công dạy các con của vua Hùng…
 
Ông Đoàn Văn Tạo, Trưởng Ban quản lý Cụm Di tích lịch sử văn hóa làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc, trước khi ra thăm quần đảo Trường Sa đã đến xin đất ở cụm cây Đa-Gạo là cây di sản Việt Nam mang ra đảo để trồng cây lưu niệm.
 
Việc tổ chức xét duyệt, vinh danh, gắn bia công nhận cây di sản Việt Nam góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, sự kiện này làm cho cộng đồng biết tri ân các bậc tiền nhân đã dày công bảo vệ, chăm sóc các cây cổ thụ. Chương trình đã lan tỏa rộng khắp về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường trong các cộng đồng dân cư ở nông thôn và thành thị, có tác dụng giáo dục lịch sử, bảo vệ chủ quyền quốc gia khi vinh danh những cây đứng ở cột mốc biên giới, vùng biển-đảo.
 
Việc bảo tồn cây Di sản Việt Nam được các cấp chính quyền và đoàn thể ủng hộ, đặc biệt được cộng đồng đồng tình, hưởng ứng tham gia. Đây là cam kết chính trị, pháp lý và sự đồng thuận xã hội quan trọng trong việc huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, biết cách tiêu dùng bền vững.
 
* Phương thức truyền thông, vận động hiệu quả
 
Thực tế tổ chức lễ công nhận cây di sản Việt Nam cho thấy, các buổi lễ đều được làm tại cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng, địa phương tổ chức độc lập và tự quản, kết hợp hài hòa giữa phần lễ và hội. Phần lễ trang trọng theo những nghi thức của địa phương và đúng với quy định của Nhà nước, phần hội tạo nên không khi vui tươi, phấn khởi, thu hút nhiều người tham gia. Nhiều buổi lễ được lồng ghép với lễ hội của địa phương, gắn với Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Hầu hết, chính quyền địa phương nhận thức rõ trách nhiệm của mình nên đã thành lập Ban bảo vệ cây di sản kết hợp với bảo vệ đa dạng sinh học. Sự tham gia của các đoàn thể, nhân dân địa phương và vùng lân cận là điều kiện tốt để truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học và vận động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.
 
Chương trình bảo tồn cây di sản Việt Nam được truyền thông rộng rãi, lập chuyên mục “Bảo tồn cây di sản” trên website của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, liên tục được bạn đọc truy cập đạt trung bình 15.000 lượt/ngày cho trang tiếng Việt và trên 2.000 lượt/ngày cho trang tiếng Anh. Hiện nay, chuyên mục thường xuyên đăng tải tin, bài và ảnh về cây di sản Việt Nam. Cụm từ “Cây di sản Việt Nam” đã nhanh chóng được định hình và trở nên quen thuộc với cộng đồng. Điển hình, buổi lễ vinh danh cây di sản tại chùa Đá Trắng (Phú Yên) đã có hơn 50 tin, bài viết và ảnh được đăng tải trên Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các báo, tạp chí, trang web… Đồng thời, được thông tin ra nước ngoài bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Tạp chí Cửa sổ Văn hóa Việt Nam đã dành riêng một số chuyên đề về cây di sản Việt Nam. 
 
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã phối kết hợp với các Hội địa phương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về sự kiện bảo tồn "Cây di sản Việt Nam". Hội đồng "Cây di sản Việt Nam" đã nhiều lần tổ chức tọa đàm quốc tế về chủ đề chăm sóc cây xanh, cây di sản Việt Nam; cử chuyên gia về nơi có cây bị bệnh, bị sâu xâm hại để tư vấn bảo vệ, các cá nhân, tổ chức quốc tế cũng quan tâm đến việc tư vấn chăm sóc và chữa bệnh cho cây di sản, đặc biệt còn góp một phần kinh phí cho việc in ấn cuốn sách cây di sản Việt Nam.
 
Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo tồn đa dạng sinh học, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức cuộc thi viết về “Cây cổ thụ - Cây di sản Việt Nam”; thành lập Câu lạc bộ đạp xe kết nối cây di sản Việt Nam để các hội viên đạp xe đến các địa phương có cây di sản giao lưu, truyền thông về môi trường kết hợp với ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
 
Tiếp tục lan tỏa ý nghĩa của sự kiện bảo tồn "Cây di sản Việt Nam", Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội quần chúng với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; giữa các hội quần chúng với chính quyền địa phương và các chủ thể xã hội khác, giữa các hội quần chúng với nhau; lồng ghép các hoạt động truyền thông vận động với phong trào quần chúng và xây dựng mô hình cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Những ý tưởng thực hiện truyền thông vận động phải xuất phát từ nhiệm vụ chung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai. Mọi hoạt động truyền thông vận động phải hướng về cơ sở, là hoạt động của cộng đồng, vì cộng đồng và do cộng đồng tự quản tổ chức thực hiện; đảm bảo quyền tiếp cận môi trường của cộng đồng.
Minh Nguyệt -TTXVN