Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Sự thật sau những thông tin trái chiều khi miền Nam bị "nhấn chìm"?
(12:56:12 PM 25/11/2019)
(Tin Môi Trường) - Trong tháng 11.2019 này cộng đồng dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM nhận được thông tin dồn dập về những hiểm họa ngập nước uy hiếp tới mảnh đất nơi mình đang sống.
Chỉ mưa và triều cường nhưng đến nay đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đã được xác định là điểm ngập sâu nhất TP.HCM, với mức nước 0,5 m. Ảnh tư liệu: Tùng Tin/Zing
Đầu tiên là bài báo khoa học của Climate Central công bố vào cuối 10.2019 đưa ra nhận định mới về nguy cơ ngập lụt vùng đất thấp ven biển toàn cầu, trong đó có ĐBSCL và TP.HCM của chúng ta, khi họ cập nhật phép tính toán địa hình.
Tiếp theo ngay sau đó, đầu tháng 11 các chuyên gia của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường - TN&MT) lên tiếng phản bác kết quả của các tác giả bài báo với dẫn chứng là chúng ta có số liệu đo đạc địa hình thực tế chuẩn hơn của Climate Central. Theo đó, ví dụ cụ thể là khi so sánh số liệu địa hình mới cập nhật (2019) bằng công nghệ cao Lidar với số liệu đo trước đây dùng để xây dựng kịch bản năm 2016 về ngập do nước biển dâng của Bạc Liêu ứng với mực nước biển dâng 100 cm cho thấy không có thay đổi nhiều, (quy mô ngập trong bản đồ năm 2016 và năm 2019 tương ứng là 48,6% và 49,1%).
Ngày 22.11.2019 tại hội thảo “Sụt lún đất tại ĐBSCL”, do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ (Đức) tổ tại Cần Thơ, thì từ số liệu thu thập từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đưa ra một sơ đồ thể hiện bức tranh lún nền khá nghiêm trọng khi TP Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu dẫn đầu khu vực ĐBSCL với mức độ lún trên 50 cm.
Chúng ta đều hiểu là lún nền sẽ làm thay đổi cao độ địa hình và sẽ dẫn đến thay đổi quy mô ngập. Vậy nếu quy mô ngập ở Bạc Liêu không thay đổi đáng kể khi đã hiệu chỉnh địa hình cùng với kịch bản nước biển sẽ dâng cao 100 cm như thông tin từ Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thì có nghĩa là địa hình nền ở đây là ổn định.
Vậy việc Bạc Liêu là một trong những địa phương có tốc độ lún nhanh nhất ở ĐBSCL với quy mô địa hình có thể đã hạ thấp hơn 50 cm trong 10 năm qua mới được công bố tại Cần Thơ sẽ là những thông tin trái ngược rất xa. Lưu ý, khoảng thời gian quan trắc để rút ra kết luận về lún cũng gần khoảng thời gian đo lại địa hình để có số liệu dùng tính toán kịch bản ngập (lập vào năm 2016 và 2019) cho Bạc Liêu.
Qua đây chúng ta thấy một sự mâu thuẫn rất lớn về thông tin, dữ liệu được hai cơ quan chuyên môn từ Bộ TN&MT công bố trong thời gian có 20 ngày (!), và chúng ta có quyền đặt câu hỏi đâu là thông tín chính xác code địa hình hiện tại ở Bạc Liêu và rộng hơn là cả vùng ĐBSCL và TP.HCM, và bề mặt địa hình này trong 10, 20 năm và xa hơn trong tương lai sẽ như thế nào.
Nếu không trả lời được câu hỏi này thì tất cả những kịch bản, sơ đồ ngập đã được công bố chỉ là kết quả từ trí tưởng tượng của một số chuyên gia hay sao?