(Tin Môi Trường) - Chính quyền thủ đô sẽ thuê tư vấn định giá nước sạch và tính toán lại việc huy động nước ngầm để tránh sụt lún.
Sáng 22/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề nước sạch, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, thành phố sẽ thuê công ty tư vấn độc lập đánh giá chất lượng nguồn nước đầu vào và tính giá thành sản xuất ở các nhà máy nước sạch.
"Sau khi có kết quả thì UBND TP sẽ xem xét và quyết định", ông Hải nói.
Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề cập đến việc hiện nguồn cung ứng nước sạch của Hà Nội có 50% nước ngầm, do vậy tiến tới thành phố sẽ phải tăng phần nước mặt để tránh hiện tượng sụt lún đất về lâu dài.
Ông Hải dẫn chứng, đồng bằng sông Cửu Long lấy nước ngầm làm nông nghiệp, thuỷ sản đã gây sụt lún nền đất 0,4 cm. "Hà Nội chưa có hiện tượng này do nền đất cứng hơn đồng bằng sông Cửu Long, nhưng không thể chủ quan. Ở Thái Lan đã có hiện tượng đó, khiến đường phố thụt xuống", Bí thư Hà Nội nói.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 15/11, thông tin việc giá nước tối đa tạm tính của nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng mỗi m3, cao gấp đôi so với mức 5.069 đồng mỗi m3 của nhà máy sông Đà, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lý giải đây là giá tạm tính phục vụ cho doanh nghiệp lập dự án đầu tư, khi dự án hoàn thành mới quyết toán toàn bộ công trình và có giá thành chính thức.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết, nguyên tắc tính giá của các nhà máy nước trên địa bàn là giống nhau. Tuy nhiên, các nhà máy có công nghệ khác nhau, mức đầu tư khác nhau dẫn đến giá thành sản phẩm khác nhau.
Theo Quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng phê duyệt năm 2013, thủ đô sẽ có 3 nhà máy nước mặt gồm Nhà máy nước sông Đà, Nhà máy nước sông Hồng và Nhà máy nước sông Đuống.
Quy hoạch này xác định Nhà máy nước sông Đuống có nhiệm vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho khu vực trung tâm phía đông bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh); khu vực nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và vùng nông thôn liền kề. Ngoài ra nhà máy này còn cấp nước cho một số khu vực của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.