Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước sông Đuống đắt: Công nghệ cao nên giá cao là vô lý

(06:59:48 AM 19/11/2019)
(Tin Môi Trường) - Liên quan đến giá nước sạch sông Đuống đắt gấp đôi so với những nơi khác, theo chuyên gia Ngô Trí Long, về nguyên tắc tài chính không thể nói đầu tư công nghệ cao, quy mô nhà máy lớn mà giá đắt được. Công nghệ càng hiện đại thì theo lý, giá thành phải càng tốt.

Nước sông Đuống đắt: Công nghệ cao nên giá cao là vô lý

Mô hình nước sạch Sông Đuống. Ảnh: Thuỳ Dung

 
Trong khi giá nước Sông Đà khoảng hơn 5.000 đồng/m3 thì thành phố Hà Nội lại duyệt cho Công ty Sông Đuống mức giá nước 10.246 đồng/m3. Mức này đắt gấp 2 lần so với bình thường và được giải thích là do công nghệ đầu tư hiện đại, chất lượng nước cao hơn hẳn so với bình thường. 
 
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, nước là mặt hàng thiết yếu, là dịch vụ công. Không những nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới, mỗi vùng chỉ có một đơn vị đứng ra làm đầu mối, nên thực chất việc bán nước thuộc lĩnh vực độc quyền. 
 
Để tránh tình trạng độc quyền này, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ quy định khung và bảng giá nước, từ đó, các địa phương căn cứ để xây dựng bảng giá nước của địa phương mình, nhưng không được vượt quá quy định chung của Chính phủ đã đề ra. Sở Tài chính là cơ quan tham mưu cho thành phố mức giá. Trước khi quyết định giá nước bao nhiêu, sở phải trình qua hội đồng nhân dân thành phố. 
 
"Về nguyên tắc tài chính không thể nói đầu tư công nghệ cao, quy mô nhà máy lớn mà giá đắt được. Lý do này là vô lý. Khi Chính phủ đã ban hành khung giá nước thì nguyên tắc, giá nước của các đơn vị không được cao hơn giá đó" - ông Long nói. 
 
Khi thành phố mời nhà đầu tư làm dịch vụ cung ứng nước phải đặt ra những yêu cầu: Chất lượng nước đảm bảo; Cung cấp nước liên tục 24/24; Áp lực nước phải đạt yêu cầu; Giá nước phải nằm trong khung quy định. 
 
 
Nhà đầu tư trên cơ sở 4 yêu cầu đó phải tính toán làm sao để đáp ứng được yêu cầu nhưng giá thành vẫn phải theo đúng quy định chung. Ông Long nói rằng, thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành sẽ phải tốt hơn, nên việc do công nghệ "đắt đỏ" mà tính giá cao là hết sức vô lý. 
 
Cần đầu thầu công khai các dự án nước
 
Ngoài ra, ông Long cho rằng cần làm rõ vấn đề chi phí lãi vay tính vào giá nước xem có bất hợp lý không. Để xây dựng Nhà máy nước sạch sông Đuống, nhà đầu tư đi vay tới 80% trong tổng mức đầu tư, dẫn đến việc người dân phải gánh tới 20% tiền lãi vay ngân hàng của họ trong một khối nước sạch. Ông đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp trong tình trạng “tay không bắt giặc” mà lại đồng ý để doanh nghiệp thực hiện để rồi dân è cổ gánh.
 
Do vậy, chuyên gia này đề xuất việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả.
 
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VAFI, từ sự việc của nước sạch sống Đuống vừa qua, chúng ta cần phải có một chính sách minh bạch thông qua đấu thầu.
 
Khi tiến hành dự án như vậy, thành phố nên mời các tổ chức có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn tham gia đấu thầu. Đơn vị nào cung cấp nước đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý thì thắng thầu. 
 
"Qua việc này, tôi nhận thấy cán bộ quản lý liên quan đến lĩnh vực này lộ nhiều yếu kém khi không tham mưu cho thành phố những phương án phù hợp. Những vấn đề liên quan đến sản phẩm công ích như điện, nước, giá xe bus... đều cần được đấu thầu thực sự, công khai, minh bạch. Qua đây, chính quyền cũng chọn được nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm. Nếu những cán bộ của thành phố không đủ năng lực để làm việc này, thành phố có thể thông qua một đơn vị tư vấn có uy tín để xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà thầu, quản lý giám sát" - ông Hải nói. 
 
THIÊN BÌNH (báo LĐ)