(Tin Môi Trường) - Trước dự báo mùa khô năm 2019-2020 đến sớm, UBND tỉnh Cà Mau nhận định, sẽ có khoảng 13.500 hộ dân tại một số khu vực chưa được tiếp cận nguồn nước nối mạng và không có nguồn nước ngầm để khai thác sẽ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt nghiêm trọng, xảy ra rộng khắp các nơi trong tỉnh. Ngay cả thành phố Cà Mau, khả năng có khoảng 1.000 hộ tại hai xã An Xuyên và Định Bình sẽ thiếu nước sạch sinh hoạt.
Ảnh: TTXVN
Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, số hộ dân nông thôn của tỉnh khoảng 226.000 hộ, trong đó tỷ lệ hộ được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 91%, tương đương trên 206.000 hộ. Tỷ lệ hộ dân thiếu nước và chưa chủ động nguồn nước sinh hoạt khoảng 8,7%, tương đương 20.000 hộ. Đặc biệt trong số này có khoảng 13.500 hộ dân tại một số khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước nối mạng và không có nguồn nước ngầm để khai thác sẽ thiếu hụt nước sinh hoạt trầm trọng.
Tình trạng thiếu hụt trầm trọng nước sinh hoạt sẽ diễn ra trên hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh Cà Mau. Dự báo, huyện Thới Bình sẽ có trên 3.000 hộ thiếu hụt nước sinh hoạt, kế đến là các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước đều có khoảng 2.000 hộ… Bên cạnh đó, tại khu vực đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời), các hộ dân cũng gặp khó khăn về nguồn nước ngọt.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt là do điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn phụ thuộc hoàn toàn lượng nước mưa và nước ngầm, không có lượng nước ngọt bổ sung trong mùa khô. Do đó, khi hạn hán đến sớm, nguồn nước mặt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sẽ dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút.
Trước đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 ở các khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Dòng chảy trên các sông, suối từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020 tại các khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập trong mùa khô 2019-2020 ở nhiều vùng trên cả nước. Đặc biệt là tình trạng mặn xâm nhập tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức sớm hơn và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo Kế hoạch phòng, chống thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tình trạng hạn hán đến sớm khiến nguy cơ mặn xâm nhập tại Cà Mau là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, hạn hán còn gây nguy cơ sụp đất, nhất là tại U Minh và huyện Trần Văn Thời, khi đã từng xảy ra vào mùa khô 2015 - 2016. Đáng lo ngại nhất là gần 54.000 ha rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo, nguy cơ cháy rừng rất cao và khả năng chữa cháy sẽ khó khăn do không có nguồn nước.
Trước dự báo tình hình trên, tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn người dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ Đông - Xuân, bởi hiện còn trên 25.000 ha chưa xuống giống. Diện tích này tập trung chủ yếu tại Tiểu vùng II và III, nơi hệ thống thủy lợi gần như đã được khép kín, cần chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ các dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho hộ nghèo tại những nơi không có nguồn nước ngầm sử dụng được và nguồn nước mặt bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, Cà Mau chủ động thực hiện đắp đập, cống nhằm ngăn mặn xâm nhập, giữ ngọt phục vụ sản xuất, phòng chống cháy rừng.