Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Con sông quê đâu còn xanh như ngày xưa nữa"

(20:19:53 PM 11/11/2019)
(Tin Môi Trường) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng nguồn nước, không khí, rác thải hiện nay đều ô nhiễm vượt sức chịu tải của môi trường, trong khi công nghệ, máy móc lạc hậu vẫn tìm cơ hội vào Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Con sông quê đâu còn xanh như ngày xưa nữa"

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết nguồn nước, không khí, chất thải rắn hiện nay đã ô nhiễm vượt sức chịu tải của môi trường - Ảnh: XUÂN LONG

 
Cuối chiều 11-11, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2020.
 
Về sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề phải đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế. 
 
Tuy nhiên, theo ông Hà, khi hội nhập, ngoài các thuận lợi về phát triển cũng sẽ có những vấn đề khó khăn. Đó là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi rất lớn về công nghệ, như vậy hoàn toàn có khả năng các công nghệ lạc hậu sẽ tìm đường vào Việt Nam.
 
Vì vậy, theo ông Hà, trong sửa đổi Luật bảo vệ môi trường phải chủ động thay đổi chính sách. "Nếu không cập nhật, không theo kịp thế giới thì sẽ mắc phải những vấn đề liên quan đến cạnh tranh các hàng rào kỹ thuật, đồng thời có khả năng đất nước chúng ta có thể là nơi đưa vào công nghệ, máy móc lạc hậu, thậm chí cả những dòng vốn đầu tư nước ngoài tiềm ẩn những công nghệ gây ô nhiễm môi trường" - ông Hà giải thích.
 
Theo ông Hà, thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay rất đáng lo ngại.
 
"Đến thời điểm này, chắc chúng ta hoàn toàn nhận thấy một điều: so với 5 năm trước, các thành phần môi trường từ nước, không khí, chất thải rắn… đã vượt ngưỡng. Tôi đã hai lần thông báo trên Quốc hội là ô nhiễm vượt khả năng chịu tải của môi trường. Môi trường nước đâu còn nhìn thấy các dòng sông màu xanh, con sông quê đâu còn xanh như ngày xưa nữa. 
 
Chúng ta thấy môi trường không khí ở Hà Nội, TP.HCM hiện nay, chẳng hạn như ngày hôm nay chúng tôi có cảnh báo chất lượng không khí nhiều nơi ở Hà Nội ô nhiễm, hoàn toàn ảnh hưởng tới sức khỏe với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người già, trẻ nhỏ" - ông Hà dẫn chứng.
 
Vì vậy, theo ông Hà, vấn đề môi trường hiện nay đòi hỏi phải có những thay đổi mang tính cách mạng. 
 
Thứ nhất, sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về chủ trương phát triển kinh tế dựa trên sự cân bằng sinh thái, lựa chọn mô hình kinh tế xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Tức là xác định môi trường tiên phong để dẫn dắt các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, cũng như định hình cho các mô hình phát triển kinh tế trong nước.
 
Thứ hai, trong một thế giới hội nhập, Việt Nam cần có chính sách môi trường hài hòa, phù hợp với chủ trương đã cam kết. "Việc nâng các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường lên để tạo ra sức đề kháng nhằm ngăn cản các dòng vốn với công nghệ ô nhiễm, với các công nghệ sử dụng lãng phí, không hiệu quả, tiêu tốn năng lượng" - ông Hà nói.
 
Thứ ba, phải xem xét thay đổi chính sách môi trường, thay đổi cách đánh giá, tư duy. "Môi trường hiện nay đang ô nhiễm. Hiến pháp Việt Nam quy định con người có quyền được sống trong một môi trường trong lành. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta không nâng chính sách môi trường và quy chuẩn môi trường lên bằng các nước phát triển" - ông Hà nói tiếp.
 
4 vấn đề với Luật đất đai sửa đổi
 
Đề cập đến việc sửa đổi Luật đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng có rất nhiều vướng mắc, điểm nghẽn trong chính sách đất đai hiện nay, trong đó tập trung ở bốn vấn đề lớn.
 
Thứ nhất, điểm nghẽn lớn nhất, khó khăn nhất là vấn đề liên quan đến chuyển mục đích sử dụng, quy hoạch sử dụng đất đai.
 
Thứ hai, đó là vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai.
 
Thứ ba, Luật đất đai hiện nay là nền tảng của rất nhiều luật khác, nhưng cũng nảy sinh vấn đề vướng mắc về phạm vi điều chỉnh, xung đột giữa các luật.
 
Thứ tư, vấn đề quản lý đất đai thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu để làm sao thực hiện tốt dịch vụ công đất đai, cải cách thủ tục hành chính và phòng ngừa tham nhũng.
T.T