(Tin Môi Trường) - Năm học 2019 – 2020, khoảng 8 triệu học sinh tiểu học lần đầu tiên sẽ được học về bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp quý hiếm bị buôn bán trái pháp luật như tê giác, voi, tê tê, hổ, chim hồng hoàng và voọc, góp phần trong nỗ lực đấu tranh với nạn buôn lậu các loài ĐVHD.
Ý tưởng xây dựng bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cho học sinh tiểu học” được Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế Đối xử nhân đạo với Động vật (Humane Society International) trong khuôn khổ Dự án “Giảm nhu cầu sử dụng các loài động vật hoang dã bị buôn trái phép tại Việt Nam”. Bộ tài liệu sẽ dạy các em – những công dân tương lai của đất nước về bảo tồn ĐVHD và các mối đe dọa đến chúng với hy vọng hình thành tình yêu thương với động vật cho các em, từ đó giúp lan tỏa các thông điệp “NÓI KHÔNG” với sản phẩm ĐVHD bị buôn bán trái pháp luật..
Việt Nam được biết đến là một trong các nước có tính đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, đáng tiếc là Việt Nam cũng được xem như một trong những điểm nóng của thế giới về trung chuyển và tiêu thụ bất hợp pháp các mẫu vật ĐVHD. Do vậy, trong những năm gần đây, rất nhiều các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi của người mua bán, sử dụng ĐVHD được thực hiện nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và cho thấy việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam trong công tác phòng chống, đấu tranh với tội phạm ĐVHD như Chỉ thị số 03/2014/CT-TTg và Chỉ thị số 28/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 17.4 của CITES .
Ước tính, việc buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã có trị giá khoảng 26 tỷ USD mỗi năm, trở thành một trong bốn ngành buôn bán trái phép có lợi nhuận cao nhất trên thế giới (sau ma túy, vũ khí, và buôn bán người). Theo báo cáo từ 2013 đến 2017, tại Việt Nam có 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, 41.328 kg cá thể và sản phẩm ĐVHD bị thu giữ và xử lý, trong đó có cả các loài không có phân bố ở Việt Nam như tê giác, voi và tê tê với tổng số lượng lên đến 18,4/41,3 tấn. Gần đây nhất, vào tháng 7 năm 2019, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 125kg sừng tê giác nhập lậu tại Việt Nam.
Bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cho học sinh tiểu học” là một trong những thành quả mà Dự án “Giảm nhu cầu sử dụng các loài động vật hoang dã bị buôn trái phép tại Việt Nam” giai đoạn II (2016 -2019) đạt được. Từ năm 2013, HSI đã bắt đầu hỗ trợ các cơ quan chuyên trách của Việt Nam thực hiện Dự án nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác và các sản phẩm từ các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm bị buôn bán trái phép. Trong giai đoạn II của Dự án, Hợp phần I tập trung vào truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và đã tiếp cận được khoảng 36 triệu người; Hợp phần II tập trung vào giáo dục nhân văn với việc xây dựng bộ tài liệu gồm 01 hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục bảo tồn ĐVHD cho học sinh tiểu học dành cho GV và 09 tài liệu ứng với 09 chủ đề dành cho học sinh (Thế giới động vật, Tê giác, Voi, Hổ, Tê Tê, Voọc, Gấu, Chim Hồng Hoàng và Rùa biển).
Bà Thẩm Hồng Phượng chia sẻ tại lễ tổng kết Dự án: “Khi nói đến việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp, Việt Nam là một trong những nước cần giải quyết vấn nạn này và nếu chúng ta không tập trung vào việc vun đắp nhận thức và giáo dục mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, tình yêu thương động vật cho thế hệ trẻ, thì chúng ta sẽ mất đi thời điểm tốt để tạo ra những công dân có trách nhiệm với môi trường, tài nguyên thiên nhiên và không sử dụng động vật hoang dã. Chúng ta nên bắt đầu chương trình giáo dục này càng sớm càng tốt. Chúng tôi rất kỳ vọng việc đưa bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cho học sinh tiểu học” vào nhà trường sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của các em trong việc nói không với các sản phẩm ĐVHD nguy cấp quý hiếm bị buôn bán trái pháp luật, nhằm góp phần bảo tồn các loài khỏi mối đe doạ tuyệt chủng”.
Chỉ tính riêng hai giai đoạn thử nghiệm bộ tài liệu này tại 10 tỉnh và thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắk, Đồng Nai,
Khánh Hoà, Đà Nẵng và Cần Thơ), bộ tài liệu với các thông điệp bảo tồn thiên nhiên đã tiếp cận được hơn 50 trường, khoảng 15.000 học sinh tiểu học. Nghiên cứu đối chứng giữa các trường tham gia dạy thử nghiệm bộ tài liệu với những trường chưa có cơ hội tiếp cận, trước và sau thời gian thử nghiệm, đã cho thấy rằng các em được học có kiến thức và thái độ tốt hơn về các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm, hiểu rõ hơn các mối đe dọa đang đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng. Quan trọng hơn, các em sẵn sàng nói chuyện với ông bà, bố mẹ, người thân về việc không nên sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.
Một trong những điểm sáng của Dự án này là trong khuôn khổ hội nghị quốc tế về chống nạn buôn lậu ĐVHD tổ chức năm 2016 tại Hà Nội, Thái tử Vương quốc Anh trong một hoạt động ngoài nghị trường, đã đến thăm trường tiểu học Hồng Hà, Thành phố Hà Nội– một trong các trường thí điểm tổ chức hoạt động liên quan đến giáo dục giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD bị buôn bán trái pháp luật của dự án được thực hiện. Dự án dùng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm đã và đang cung cấp thông tin cho các em về cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác tại châu Phi, những nỗ lực bảo tồn mà Việt Nam đang thực hiện và giúp các em trở thành những đại sứ bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Nói về tác động của Dự án này, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 8 triệu học sinh tiểu học, 280.000 lớp học cấp tiểu học đang học tập tại 15.000 trường tiểu học, có trung bình khoảng 4-6 triệu gia đình có con em trong độ tuổi giáo dục tiểu học. Chúng tôi tin tưởng vào những kết quả tốt đẹp khi bộ tài liệu được đưa vào nhà trường thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tại tất cả các trường tiểu học trên cả nước. Dưới góc độ quản lý giáo dục, chúng tôi đánh giá cao bộ tài liệu trong việc giáo dục các em học sinh về bảo vệ môi trường, đặc biệt là động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Tôi tin rằng bộ tài liệu không chỉ nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi của các em học sinh mà còn cho cả các thầy, cô giáo và người thân của các em trong việc bảo vệ các loài hoang dã và không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã trong thời gian tới”.
Đánh giá về dự án này, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam khẳng định: “Thông qua việc biên soạn tài liệu giáo dục ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã ở bậc tiểu học , Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới lồng ghép bảo tồn vào giáo dục, thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với các bộ/ngành khác. Không chỉ là nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu thương giữa con người với động vật mà việc giáo dục pháp luật về bảo vệ ĐVHD, giáo dục bảo tồn hướng tới thay đổi hành vi cùng với các chiến dịch giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã”