Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sau động đất, Nhật sẽ hồi sinh mạnh

(23:30:14 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Việc dọn dẹp và tái thiết sau trận động đất hôm 11-3 sẽ là bài kiểm tra năng lực của nước Nhật và nhiều người cho rằng “nước Nhật sẽ cho thấy khả năng và nỗ lực của họ cũng tương xứng với quy mô của thảm họa”.

>> Hơn 10.000 người chết, mất tích vì động đất ở Nhật

>> Động đất ở Nhật, gần 2.000 người thương vong

>> Động đất ở Nhật, xác nhận 1.597 người chết

>> Lại nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật

 

Thảm họa lớn, quyết tâm cao

 

Robert J. Geller Giáo sư Khoa học Địa cầu tại Đại học Tokyo viết cho tờ New York Times: “Khi tôi viết những dòng từ nhà riêng tại Tokyo, mọi kênh truyền hình ở xứ sở này đều dành phần lớn thời lượng phát sóng để thông tin về thiệt hại gây ra bởi trận động đất xảy ra vào ngày thứ sáu ngoài khơi vùng biển đông bắc Nhật Bản. Bản thân trận động đất, cùng với sóng thần và hỏa hoạn gây ra bởi địa chấn, đã tạo nên những thảm họa khôn lường. Dựa vào kinh nghiệm quá khứ, chúng ta sẽ phải mất vài ngày trước khi có thể thấy đầy đủ quy mô của thảm họa bởi thông tin liên lạc với một số vùng vẫn còn chưa thể kết nối.

 

 

Một nhân viên cứu hộ tại làng Saito nay đã bị tàn phá hoàn toàn sau trận động đất và sóng thần vào thứ sáu ngày 11/3/2011. (Nguồn: New York Times)

 

Những trận động đất lớn nhất xảy ra khi hai mảng địa tầng xô vào nhau. Áp lực gia tăng theo thời gian và kết thúc bằng những trận động đất khủng khiếp như chúng ta vừa chứng kiến.

 

Những trận động đất có quy mô tương tự đã xảy ra bốn lần trong vòng 100 năm vừa qua: 1952 ngoài khơi Kamchatka (Nga); 1960 ngoài khơi Chile; 1964 ngoài khơi Alaska; và năm 2004 ngoài khơi Sumatra (Indonesia). Thật không may, dự báo thời điểm, địa điểm và cường độ cụ thể của một trận động đất lớn như vậy là điều không thể trong hiện tại, và có lẽ mãi mãi là không thể.

 

Do đó chúng ta phải đối mặt với thảm họa này bằng cách thiết kế và xây dựng những kết cấu công trình và hạ tầng có khả năng chịu được động đất, và bằng cách chuẩn bị những phương án cứu hộ nhanh chóng và hiệu quả để triển khai sau thảm họa.

 

Vấn đề là trong khi những trận động đất 9.0 độ richter vốn có thể lường trước được ở quy mô toàn cầu (tới nay thì đã xảy ra năm lần trong vòng 100 năm), xác suất xảy ra một trận động đất như vậy tại một khu vực cụ thể là rất thấp, tới mức được coi như vượt ngoài mọi dự kiến của dân chúng và chính quyền trong vùng chịu tác động. Hơn nữa, cường độ 9 độ richter lớn đến nỗi không có sự chuẩn bị nào có thể giúp tránh được thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

 

 

Khu Ginza bị tàn phá nặng nề trong trận động đất Kanto năm 1923 khiến 140.000 người chết

 

Vậy nước Nhật đã ứng phó thế nào? Tokyo, nơi cách xa tâm chấn khoảng 320 km, không chịu thiệt hại gì nghiêm trọng, nhưng cũng phải mất tới tám giờ đồng hồ để phục hồi hệ thống điện thoại di động và mạng điện thoại dây. Đường sắt và hệ thống tàu điện ngầm ngừng hoạt động (chủ yếu là biện pháp phòng xa) sau động đất, một số tuyến vẫn chưa hoạt động trở sau gần nửa ngày. Thông tin chính xác về thảm họa cũng phải mất một khoảng thời gian kéo dài đến không thể chấp nhận được để tới được công chúng.

 

Đó là Tokyo. Tình hình ở những khu vực gần tâm chấn hẳn tồi tệ hơn. Rất nhiều thị trấn và thành phố ở hai tỉnh Miyagi và Iwate chịu sự tàn phá nặng nề và rất nhiều nhà cửa, đường xá vẫn còn chìm trong biển nước. Thêm vào đó, một số hiện tượng rò rỉ phóng xạ đã xảy ra ở nhà máy điện nguyên tử thuộc tỉnh Fukushima.

 

Siêu bão Katrina năm 2005 làm lộ tẩy năng lực hay cho thấy sự bất lực của chính phủ, xã hội và người Mỹ trong việc đối phó với thiên tai quy mô lớn. Việc dọn dẹp và tái thiết sau trận động đất hôm thứ sáu, 11-3, vừa rồi sẽ là bài kiểm tra tương tự cho nước Nhật, nhưng có lẽ ở quy mô lớn hơn. Tôi hy vọng, mặc dù không thật sự tự tin, rằng nước Nhật sẽ cho thấy khả năng và nỗ lực của họ cũng tương xứng với quy mô của thảm họa”.

 

 

Bức ảnh chụp năm 1925 cho thấy khu Ginza gần như đã được khôi phục chỉ 2 năm sau trận động đất lịch sử Kanto

 

Tin tưởng sự đàn hồi kỳ diệu

 

Một tờ báo có uy tín nhận định ngay sau sự kiện rằng đây cũng là cơ hội, bởi “trận động đất tồi tệ nhất thế kỷ 20 từng là động lực cho những bước ngoặt lịch sử”. Đó là trận động đất Đường Sơn tại Trung Quốc vào năm 1976 giết chết hơn 240.000 người dẫn tới sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa và thúc đẩy việc mở cửa nền kinh tế quốc gia này ba năm sau đó.

 

Không chỉ thiên tai, những thảm họa với nỗi đau khôn cùng luôn thúc đẩy thay đổi trong xã hội như nạn đói năm 1945 ở Việt Nam cướp đi hai triệu người, 10% dân số miền Bắc thời bấy giờ, đã “đã trút thêm ngon lửa căm hờn, tiếp sức cho dân tộc Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền sống của chính mình” (Dương Trung Quốc). Những sự kiện như vậy thúc đẩy một hệ thống, trong trường hợp này là một đất nước, tới những điểm tới ngưỡng – những cuộc cách mạng – làm thay đổi hoàn toàn tình trạng của đất nước đó.

 

 

Và khu Ginza tráng lệ ở trung tâm Tokyo ngày hôm nay

 

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã gọi trận động đất là “thảm họa lớn nhất sau Thế chiến Thứ hai″. Ông kêu gọi đồng thời sự đoàn kết trong chính giới và toàn xã hội nhanh chóng xây dựng quỹ cứu trợ – một số tiền khổng lồ cũng sẽ giúp kích cầu nền kinh tế đang ảm đảm.

 

Nhớ lại những gì mà người Nhật đã làm được sau trận động đất Kanto thiêu rụi Tokyo năm 1923 và thất bại sau Thế chiến Thứ hai, chúng ta hiểu rằng thảm họa này sẽ khiến nước Nhật mạnh mẽ hơn và người Nhật sẽ cho thế giới thấy khả năng phục hồi của họ sau nỗi đau. Khả năng đàn hồi của một quốc gia trong nhiều trường hợp nằm ở chính sức mạnh tinh thần của họ.

 

Quy chuẩn thiết kế khắt khe và hệ thống thoát hiểm tại các thành phố đông bắc Nhật Bản đã giúp giảm thiểu mất mát về người. Những bài học mới từ thảm họa này cũng bắt đầu được thảo luận trong giới nghiên cứu. Một trong những trọng tâm chính là khả năng thiết kế các đô thị mở cho phép sóng thần vượt qua dễ dàng thay vì ngăn cản chúng để giảm thiểu sự sụp đổ của hệ thống hạ tầng và công trình cũng như dễ dàng tái thiết sau này. Đây cũng chính là một khía cạnh cốt lõi của lý thuyết về tính đàn hồi vốn đề cao sự linh hoạt trong biến động để giảm rủi ro hay vì cố gắng tạo sự ổn định.

 

Nguyễn Đỗ Dũng