(Tin Môi Trường) - Trong quỹ đất được giao, diện tích làm chùa thì nhỏ, diện tích xây dựng các công trình ăn theo thì lớn.
Hàng loạt công trình phá cao nguyên đá như: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (Bộ VH-TT-DL) khẳng định chưa tuân thủ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Từ năm 2018, Bộ VH-TT-DL cũng 4 lần ra văn bản yêu cầu Hà Giang kiểm tra toàn diện dự án, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm, tới nay, Hà Giang cũng không thực hiện các ý kiến chỉ đạo nói trên. Việc này khiến dư luận băn khoăn, đặt câu hỏi: vì sao lại có chuyện "trên bảo dưới không nghe?"; tại sao các dự án vẫn ngang nhiên xây dựng trái phép, bất chấp các quy định pháp luật?
Chùa Bái Đính - Ninh Bình. Ảnh: Vntrip
Từ góc nhìn riêng, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện tượng các dự án xây dựng không đúng quy hoạch hoặc xây dựng trái phép thời gian qua diễn ra khá phổ biến. Đáng tiếc, từ phía cơ quan quản lý, sau khi được phát hiện thì vấn đề xử lý sai phạm tại những dự án này còn xuê xoa, chưa nghiêm kiểu chấp nhận việc đã rồi, phạt cho tồn tại...
Từ chỗ xử lý thiếu kiên quyết khiến việc tuân thủ pháp luật của nhiều nhà đầu tư không nghiêm, không sợ. Nhất là khi lợi ích mang lại từ những sai phạm còn lớn hơn gấp nhiều lần số tiền phạt thì rõ ràng họ chấp nhận đánh đổi, chấp nhận chịu phạt để làm sai. Vì thế mới có tình trạng dự án sai phép vẫn mọc lên ở nơi này nơi khác, còn việc xử lý thì nhây nhưa, kéo dài, không ai chịu trách nhiệm.
Trở lại câu chuyện của Hà Giang, ông Cường nhấn mạnh, di sản thiên nhiên được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi khu vực. Nếu khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch bền vững, đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy được giá trị di sản cho thế hệ tương lai sẽ tạo ra những giá trị lan tỏa rất lớn kể cả về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Như vậy, quy hoạch chính là yếu tố cốt lõi quan trọng phải được nghiên cứu kỹ và phải được tuân thủ. Nếu làm không tốt hoặc làm không đúng quy hoạch đều có nguy cơ phá hủy di sản.
Với câu chuyện của Hà Giang, ông Cường cho rằng, nếu kết luận của Bộ VH-TT-DL là đúng, nghĩa là dự án đang làm sai, là vi phạm nghiêm trọng luật bảo tồn di sản.
Xét về trước mắt, dự án có thể mang lại những giá trị kinh tế nhất định cho địa phương, tuy nhiên nếu phát triển du lịch mà chỉ đề cao yếu tố lợi ích kinh tế, phát triển du lịch kiểu "ăn xổi", "tận thu", tùy tiện, bất chấp có thể sẽ phải đối diện với những nguy cơ hiện hữu là di sản bị phá hủy, bị mất đi vĩnh viễn.
Do đó, ông Cường nhấn mạnh, phát triển du lịch phải gắn với quy hoạch. Đặc biệt, dự án này còn nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010 thì bắt buộc phải thực hiện nghiêm theo quy hoạch.
Nhập nhèm tâm linh và kinh doanh kiếm lợi
Cùng nằm trong chuỗi sự kiện được quan tâm nhiều vừa qua là hiện tượng các dự án du lịch tâm linh nở rộ tại nhiều tỉnh thành, địa phương gây băn khoăn trong dư luận, xã hội: Vì sao các nhà đầu tư lại chạy theo dự án tâm linh như cơn nghiện? Trong đó cũng có không ít những dự án được phát hiện xây dựng sai phép, chưa xin phép hoặc không đúng phép... tiếp tục được đặt ra.
Lý giải hiện tượng trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng là điểm tựa tinh thần cho con người, đến nơi thờ tự ngoài cầu xin sự phù trợ của đấng siêu nhiên quan trọng hơn là đến để xin sửa mình, trở về với chính mình theo hướng thiện. Vì thế, những ngôi chùa có khi lại là nơi người dân gửi gắm niềm tin, là nơi giúp con người sống tốt hơn, lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có những “khu du lịch tâm linh” mọc lên ồ ạt, mượn danh tâm linh để kinh doanh, kiếm lợi. Việc này phải lên án mạnh mẽ.
Ông Cường nói thêm, chính sách trong thu hút đầu tư phát triển các dự án tâm linh luôn có nhiều ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triên thực tế, đáp ứng nhu cầu mộ đạo của người dân.
Nhưng cũng chính vì những ưu đãi trên mà nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án lợi dụng, lách luật, mượn danh nghĩa tâm linh để nhập nhèm, kinh doanh, kiếm lợi.
Điển hình như câu chuyện nhập nhèm trong giao đất để xây dựng, làm chùa được dư luận phản ánh thời gian qua. Trong quỹ đất được giao, diện tích làm chùa thì nhỏ, diện tích xây dựng các công trình ăn theo thì lớn. Ví dụ như bãi đỗ xe, những khu dịch vụ thu phí... đó là những dịch vụ kinh doanh, nhà nước phải thu thuế.
Khi vấn đề giao đất, quản lý đất, thu thuế đất đai không rõ ràng, công tác quản lý tại địa phương lại làm chưa tốt thì nguy cơ thất thoát nguồn lực của đất nước là rất lớn. Đây là thực tế và cần phải rà soát, xử lý nghiêm.
"Phải tách bạch rõ ràng đâu là đất chùa, đâu là đất công cộng và đâu là đất để kinh doanh. Với những phần đất công cộng, phục vụ miễn phí cho người dân hành hương, không nên thu thuế nhưng với những công trình ăn theo, xây dựng để kinh doanh thì phải thu thuế, nộp về ngân sách", vị đại biểu nhấn mạnh.
Ông Cường nhấn mạnh, vấn đề không nằm ở chuyện có nhiều hay ít những dự án tâm linh cho người dân hành hương, hướng thiện. Hay câu chuyện về nguồn vốn đầu tư vào dự án tâm linh từ đâu cũng không phải là vấn đề lớn.
Vấn đề là chùa xây dựng có đúng quy hoạch, đúng mục tiêu, mục đích là hướng tới tâm linh hay không? Nguồn vốn có thể đóng góp tự nguyện hoặc có thể huy động xã hội để xây dựng dự án tâm linh nhưng phải rất rõ ràng rằng đó là tiền đầu tư vào một công trình để phục vụ cộng đồng, không phải đầu tư để kinh doanh, thu lợi.
Vì thế, ngay từ đầu tại các dự án này đã không cho phép hình thành những cơ chế tạo ra những nguồn thu riêng hoặc tạo cơ chế cho nhà đầu tư thu lợi từ dự án tâm linh.
Về nguồn thu, vị đại biểu cũng kiến nghị phải làm rõ các nguồn thu. Với các khoản thu từ công đức, nguồn đóng góp công quả từ khách hành hương, đệ tử, đây không phải là tài sản của riêng cá nhân nào nhưng cũng không phải là tài sản công thuộc về nhà nước quản lý. Đây là tài sản chung của cộng đồng, là tài sản chung của tập thể nhà chùa.
Vì thế, cơ chế giám sát, quản lý nguồn quỹ này cũng phải rất công khai, minh bạch, không thể giao cho một cá nhân hay một nhà sư trụ trì nào quản lý.
Cơ chế quản lý đó, ông Cường cho rằng phải giao cho các đơn vị quản lý, phụ trách chung là Giáo hội Phật giáo.
Giáo hội Phật giáo phải có trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch của nguồn quỹ trước xã hội, phải có giải pháp giám sát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, lợi dụng nguồn quỹ công vào việc tư. Trách nhiệm này Giáo hội Phật giáo phải làm.