(Tin Môi Trường) - Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng gây xôn xao dư luận gần đây một lần nữa nhắc cho chúng ta về công tác bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững, để tránh lặp lại những sai lầm lớn mà chúng ta từng phạm phải.
Công trình nhà hàng - nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chiều 11-10 - Ảnh: VŨ TUẤN
TS Mai Thanh Sơn (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) khẳng định như vậy khi trao đổi về chuyện phát triển du lịch ở các vùng đất di sản.
Ông Sơn nói: "Bên cạnh những công trình du lịch hào nhoáng có khi là cuộc sống rất khó khăn của người dân bản địa, khi không gian sinh kế bị thu hẹp, không gian văn hóa bị phá vỡ. Vì vậy, mọi quyết định phê duyệt dự án du lịch đều phải được tính toán kỹ càng trên cơ sở soi chiếu tới lợi ích của cộng đồng, và đặc biệt là phải thượng tôn pháp luật".
* Việc giữ lại, cải tạo hay đập bỏ công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng cũng như một số công trình xâm phạm di sản khác đang có những ý kiến trái chiều, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Chưa nói tới chuyện vi phạm pháp luật, một công trình như Panorama trên đèo Mã Pì Lèng muốn được tồn tại, trước hết chúng ta phải trả lời được các câu hỏi như công trình này có thật sự mang lại lợi ích cho người dân địa phương, thay đổi cuộc sống của những người đang hằng ngày phải gìn giữ và bảo vệ danh thắng ấy, làm chủ văn hóa ấy không?
Và những lợi ích mà công trình này mang lại cho địa phương, như số tiền thuế (nếu có), sẽ không thể bào chữa được cho việc tàn phá môi trường, vi phạm Luật di sản văn hóa, Luật xây dựng, Luật đầu tư. Do vậy không thể "phạt cho tồn tại".
Trong thực tế, một số công trình tại các điểm du lịch, chẳng hạn như cáp treo, dù mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho địa phương nhưng đồng thời cũng đã lấy đi nhiều cơ hội việc làm của người dân bản địa khi mà sự đa dạng của các loại hình du lịch mất dần. Hàng trăm người dân địa phương trước đây phục vụ du lịch mạo hiểm đã bị mất việc làm.
Chẳng hạn tại Sa Pa, hình thức du lịch mạo hiểm giờ đây hầu như không còn nữa. Điều đó có nghĩa là nhiều người dân địa phương bị mất sinh kế quen thuộc.
Rõ ràng cáp treo đang mang lại lợi ích kinh tế lớn cho địa phương như nộp thuế, giúp nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định... nhưng những mất mát mà nó đã và đang gây ra như tác động môi trường, ảnh hưởng sinh kế và văn hóa bản địa của người dân bản địa ra sao cũng phải được tính đến
* Với một huyện nghèo như Mèo Vạc, những dự án đầu tư như Mã Pì Lèng Panorama có thể được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương?
- Phải kêu gọi đầu tư đúng luật, chứ không phải là đầu tư bằng mọi giá. Du lịch là nền kinh tế sinh thái, bao gồm cả sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Hoạt động du lịch về bản chất là làm phá vỡ tự nhiên vốn có và tác động tới người dân sở tại là chủ thể của văn hóa đấy, khi nó buộc họ phải thay đổi theo xu hướng của du lịch khiến truyền thống bị phá vỡ, bản sắc văn hóa bị phai nhạt.
Câu chuyện phát triển du lịch ở những vùng như Hà Giang, Sa Pa... hay bất cứ đâu đều phải gắn với câu chuyện phát triển cộng đồng, vì lợi ích của cộng đồng, chứ không phải chỉ là để các doanh nghiệp tới đó thu lợi. Do đó, việc phê duyệt dự án đầu tư cần phải soi chiếu đến các tác động tới đời sống người dân ra sao, có thể tái tạo hay bổ sung nguồn lực cho địa phương như thế nào...
* Nhưng bảo vệ một danh thắng như Mã Pì Lèng không dễ dàng với áp lực phải phát triển kinh tế địa phương, thưa ông?
- Việc bảo vệ công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn chắc chắn rất khó vì nó vừa là một di sản thiên nhiên cần được bảo vệ nhưng đồng thời là môi trường sống của người dân, nơi người dân thực hiện các sinh kế của mình. Cộng đồng có thể hỗ trợ, nhưng cộng đồng cũng có thể vì những mối lợi rất nhỏ mà xâm phạm tới di sản.
Với một di sản như vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải kêu gọi được cộng đồng chung tay hỗ trợ bảo vệ di sản. Lẽ ra các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác kêu gọi người dân, cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ di sản, thay vì để những công trình "3 không" như Mã Pì Lèng Panorama mọc lên.
Những năm 2002 và 2003, chúng tôi lên giúp quy hoạch Núi Rồng ở Sa Pa, khi Sa Pa bắt đầu "tan nát". Ngoài ra, Lào Cai cũng mời các chuyên gia Pháp sang hỗ trợ quy hoạch Sa Pa. Và theo tư vấn của các chuyên gia Pháp cùng với một kiến trúc sư Mỹ do các bạn Pháp mời, Sa Pa được tư vấn quy hoạch kiến trúc theo hướng hòa đồng với thiên nhiên.
Tuy nhiên, mô hình mà kiến trúc sư này vẽ ra đã không được thực hiện. Bởi nếu làm theo, Sa Pa chẳng có nguồn thu từ bán đất đai, trong khi lại phải đầu tư vào đó rất lớn. Kết quả là giờ đây Sa Pa đã rơi vào thảm họa của xây dựng bởi quá tải du lịch như chúng ta thấy. Giờ đây coi như chúng ta đã mất Sa Pa rồi. Liệu Hà Giang có lặp lại sai lầm này hay không?
Bhutan với chính sách "giá trị cao, tác động thấp"
Bhutan đang áp dụng chính sách du lịch rất đặc biệt giúp đất nước này vẫn thu được một nguồn lợi khá lớn từ du lịch, nhưng vẫn bảo vệ rất tốt thiên nhiên và văn hóa.
Để tránh nguy cơ du lịch đại trà gây tổn hại cho môi trường và văn hóa, chính quyền Bhutan đã đưa ra chính sách "giá trị cao, tác động thấp". Theo đó, ngoài tiền chi trả cho các công ty du lịch (không rẻ), du khách đến Bhutan còn phải trả thêm 290 USD/ngày cộng với 65 USD cho một loại thuế.
Các khách sạn tốt ở Bhutan có giá cho thuê lên tới 1.500 USD/đêm. Do đó, Bhutan đón rất ít khách du lịch quốc tế nhưng vẫn thu được nhiều tiền từ du lịch. Kinh tế du lịch vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, trong khi thiên nhiên và văn hóa vẫn được bảo vệ tối đa.
Sở dĩ Bhutan làm được điều này vì có một thương hiệu quốc gia mà đất nước khác không có. Những người giàu có chấp nhận bỏ một số tiền lớn đến Bhutan vì đất nước này mang tới cho họ hương vị rất độc đáo, không thể tìm thấy ở phần còn lại của thế giới.
Và cảm giác độc quyền đến một nơi đặc biệt không có nhiều người có thể ghé đến mang lại thích thú cho nhiều du khách mà trong túi rủng rẻng tiền bạc.