(Tin Môi Trường) - Kích thước, cường độ mạnh… nằm trong số những nguyên nhân khiến giới chuyên gia đánh giá siêu bão Hagibis có thể là cơn bão mạnh nhất tấn công Nhật Bản trong 6 thập niên qua.
Bão Hagibis tấn công Nhật Bản với sức gió lên tới 216 km/h - Ảnh: EPA-EFE
Siêu bão Hagibis đã đổ bộ vào miền trung Nhật Bản, trong đó có vùng siêu đô thị Tokyo, khoảng 19h ngày 12-10 (giờ địa phương). Cơn bão với sức gió mạnh (trước đó được dự báo lên tới 216 km/h) cùng mưa lớn đã tàn phá nhiều khu vực của đất nước mặt trời mọc.
Theo Đài NHK, Nhật Bản là quốc gia thường xuyên hứng chịu bão nhiều thứ ba ở châu Á, với 11 cơn bão cận kề đất liền Nhật Bản và 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mọi năm.
Trước khi bão Hagibis đổ bộ, các chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra không ít lý do cho thấy sự nguy hiểm của cơn bão này. Công tác ứng phó bão Hagibis được thực hiện nghiêm ngặt cho thấy Nhật Bản đánh giá nghiêm túc cơn bão này.
Bão Hagibis được đánh giá có thể là cơn bão mạnh nhất tấn công Nhật Bản kể từ bão Kanogawa năm 1958. Hiện số thương vong chưa cao và có thể tăng. Theo Đài NHK, có 4 lý do tại sao bão Hagibis được đánh giá vô cùng nguy hiểm.
Thứ nhất là kích thước. Hagibis hình thành với những đám mây bão có đường kính cực kỳ rộng. Vệ tinh của NOAA/NASA đo được tại thời điểm đạt đỉnh, siêu bão Hagibis bao phủ một vùng có đường kính lên tới 1.400 km, gần nửa chiều dài quần đảo Nhật Bản.
Với phạm vi cực kỳ lớn, cơn bão này đã ảnh hưởng Nhật Bản từ sớm trước khi đổ bộ vào tối 12-10, xé toạc nhà cửa và khiến đường sá ngập lụt.
Dự báo đường đi của siêu bão Hagibis. Sau khi tấn công đảo chính Honshu, cơn bão sẽ di chuyển về phía bắc trong ngày 13-10 - Đồ họa: Reuters
Thứ hai là sức mạnh, Hagibis có áp suất trung tâm tới 915 hPa hôm 10-10, khiến nó trở thành một trong những cơn bão nhiệt đới khốc liệt nhất năm 2019. Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) đã dự đoán áp suất có thể lên tới 950 hPa khi bão Hagibis tiến sát Nhật Bản ngày 12-10.
Thứ ba là thời gian. Cơn bão diễn ra vào cuối tuần này, gần với thời điểm trăng tròn, tức mực nước biển sẽ cao hơn bình thường. Sự kết hợp của thủy triều lên cao, sóng lớn và nước dâng do bão đã gây ra tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi.
Cuối cùng là địa điểm. Cơn bão quét qua vùng siêu đô thị Tokyo, nơi tập trung phần đông dân số và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng. Đây là một đòn tấn công nặng ký thứ hai nhằm vào khu vực thủ đô Tokyo trong vòng một tháng.
Đầu tháng 9, bão Faxai đã tấn công khu vực này và được xem là cơn bão mạnh nhất thời điểm đó. Cơn bão đã gây những cơn gió mạnh lên tới 207 km/h ở Chiba. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng, hàng trăm ngàn hộ mất điện trong hơn một tuần và nhiều ngôi nhà bị mất mái.