(Tin Môi Trường) - Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Thủ tướng về công trình trái phép 7 tầng ở Mã Pì Lèng cho biết phía UNESCO có khuyến nghị tỉnh xây dựng điểm dừng chân tại đây.
Tòa nhà 7 tầng xây không phép ở Mã Pì Lèng- Ảnh: Lưu Quang Phổ
Điểm dừng chân không có nghĩa là 7 tầng
UBND tỉnh Hà Giang đã có báo cáo ngày 8.10 gửi Thủ tướng Chính phủ về vụ việc công trình trái phép 7 tầng ở Mã Pì Lèng (Hà Giang). Theo đó, tỉnh nhắc lại việc điểm xây công trình trái phép này nằm ngoài khu vực 2 của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Văn bản có đoạn: “Đối với các vấn đề về xác định ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, tỉnh báo cáo xin ý kiến của Bộ VH-TT-DL và mời các chuyên gia giúp đánh giá làm cơ sở để xử lý các vi phạm theo quy định”.
Văn bản cũng viết: “Theo báo cáo khảo sát của Giáo sư Guy Martini, Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO (tháng 2.2018), khuyến nghị tỉnh Hà Giang xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực Mã Pì Lèng (khu vực xây dựng nhà nghỉ nêu trên). Căn cứ báo cáo khuyến nghị trên, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức hai đoàn đi kiểm tra và có Văn bản số 55/TB-UBND, ngày 14.3.2018 và Văn bản số 141/TB-UBND, ngày 8.6.2018 chỉ đạo, giao H.Mèo Vạc triển khai thực hiện xây dựng điểm dừng chân. Yêu cầu hoàn thành trước tháng 7.2018 để phục vụ cho kỳ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ hai, năm 2018 (vào tháng 9.2018)”.
Đoạn báo cáo này dường như có thể hiểu rằng việc xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại Mã Pì Lèng ở điểm có nhà nghỉ 7 tầng là theo yêu cầu của Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Mặc dù vậy, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, cho biết: “Ông ấy không khuyến cáo xây to thế đâu. Chỉ có một cái biển ở điểm dừng chân vài mét và có lan can để du khách dừng lại ngắm thôi. Không có chuyện khuyến cáo xây thành một cái to. Dừng lại ngắm cảnh tí rồi lại đi thôi chứ không phải nghỉ ngơi, ăn uống”. Ông Văn là người cùng đi với vị Tổng thư ký trên trong thời gian khảo sát Hà Giang, công viên địa chất Đồng Văn.
Trách nhiệm địa phương
Đánh giá về công trình 7 tầng ở Mã Pì Lèng, GS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng: “Nên xem xét nó phục vụ ai, có đáp ứng nhu cầu con người không? Điểm này là có. Thứ hai là vị trí của nó có phù hợp không? Nếu vị trí phù hợp thì kiến trúc đó can thiệp vào vị trí đó như thế nào, có quá quắt không, có cưỡng bức không? Kiến trúc đấy chắc chắn có thiết kế, mà đã có thiết kế thì đã có nghiên cứu theo địa hình rồi”. Mặc dù vậy, theo GS Thông: “Về luật pháp thì sai về quản lý, ai cũng đồng tình điều đó. Nhà quản lý vô trách nhiệm với chủ đầu tư cái đó thì cũng rõ rồi”. Sự vô trách nhiệm đó thể hiện ở việc để chủ đầu tư bỏ rất nhiều tiền để xây dựng mà không hề có bảo đảm về pháp lý - công trình hoàn toàn không phép.
Về điều này, PGS-TS Khuất Tân Hưng (ĐH Kiến trúc Hà Nội) nói: “Kể cả UBND H.Mèo Vạc đã nhận trách nhiệm thì trách nhiệm cũng không thể đổ hết cho huyện được. Nó còn liên quan đến cam kết của Chính phủ với UNESCO vì liên quan đến Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn. Và việc xây nếu được phải có Sở xin phép Bộ. Nên các sở liên quan cũng phải chịu trách nhiệm. Không hướng dẫn người ta làm đủ giấy tờ”.
Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 8.10, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Thái Bình nói cần đặt vấn đề trách nhiệm của địa phương khi để cho sự việc đã rồi. "Việc xây dựng đã rồi, thì mong các cơ quan truyền thông đặt câu hỏi trách nhiệm về phía chính quyền địa phương. Nhà chúng ta chỉ sửa nhỏ, ngay lập tức đội quy tắc có mặt ngay. Đương nhiên cả công trình 7 tầng thì không thể không biết được”, ông Bình nhấn mạnh.