(Tin Môi Trường) - Những dãy phố thịt chó tấp nập khách, hơn 400 cơ sở kinh doanh giết mổ chó vẫn hoạt động bình thường, hàng trăm con chó không rõ nguồn gốc bị giết thịt mỗi ngày.
Chiều tối ngày cuối tuần, sáu cửa hàng ở cổng chợ Thái Hà (Đống Đa) lại bày tủ kính ra sát vỉa hè bán thịt chó. Gần 40 con chó bị mổ phanh, thui màu vàng bóng, xếp chồng lên nhau trên những chiếc bàn sắt. Chốc chốc lại có chiếc xe máy ghé vào mua. Thịt chó sống giá 150.000 đồng/kg, thịt chín từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, tùy món.
Một cửa hàng thịt chó gần chợ Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Tất Định
19h, trong cửa hàng bia hơi thịt chó lớn nhất khu chợ Thái Hà, 50 bàn đã chật kín khách, hầu hết là đàn ông trung niên. Tiếng nhân viên mời gọi, tiếng dao thớt, tiếng người uống rượu bia hò dô huyên náo.
Quán mở từ cách đây 15 năm, bà Thanh chủ quán cho hay, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 12 con chó với hơn 200 lượt khách. Cuộc vận động người dân không ăn thịt chó từ một năm trước của thành phố Hà Nội gần như không ảnh hưởng đến doanh thu của quán.
"Khách vẫn đều đều, đầu tháng và ngày nắng nóng thì ít hơn. Khách quen là chủ yếu", bà Thanh nói và cho hay thịt chó bán ở khu phố này đều được giết mổ từ Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội chuyển lên.
Anh Nguyễn Văn Kiên, 37 tuổi (Đội Cấn, Hà Nội), một thực khách chia sẻ, anh cùng nhóm bạn thường ăn thịt chó hai lần trong tháng. "Tôi ăn vì thấy thịt rất ngon. Mỗi người có khẩu vị thói quen ăn uống riêng. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, người ta vẫn ăn nên không thể nói ăn thịt chó là không văn minh hay phản cảm", anh Kiên nói.
Những con chó tang vật trong một vụ trộm. Ảnh: Hoàng Táo.
Tại một "phố thịt chó" có tiếng khác là Tam Trinh (quận Hoàng Mai), ngoài ba cửa hàng thường xuyên tấp nập thực khách còn có 4 sạp hàng bán chó sống. Đây là nơi giết mổ, bán buôn hàng trăm con chó cho các nhà hàng, quán ăn khu vực trung tâm thành phố.
Một chủ quán cho biết, chó sống chủ yếu được vận chuyển từ miền Trung ra, một số từ ngoại thành hoặc nhập từ Lào, Thái Lan, rồi phân chia ra các khu giết mổ. "Tôi chỉ quan tâm chó có tươi sống, thịt nạc chứ không quan tâm nhiều đến nguồn gốc", người này nói.
Ngoài những tuyến phố trên, thịt chó còn được bày bán ở nhiều chợ trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của Chi cục thú y Hà Nội, toàn thành phố có hơn 400 cơ sở buôn bán kinh doanh, giết mổ chó.
Ngày 10/9/2018, UBND TP Hà Nội có công văn khẳng định việc ăn thịt các loài vật này tạo ra những hình ảnh phản cảm đối với khách du lịch và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm dại, xoắn khuẩn, tả... và kêu gọi "một bộ phận người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo".
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội đánh giá kết quả sau một năm, cuộc vận động đã đem lại hiệu quả, số lượng người ăn thịt chó đã giảm. "Tôi trực tiếp trò chuyện khảo sát với nhiều sinh viên, công chức, những người trẻ họ đều đã từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Đặc biệt, những người làm trong ngành thú y, người nuôi chó cảnh đều không ăn", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng "cuộc vận động phải kéo dài thậm chí cả chục năm và không hạn định thời gian kết thúc", bởi thói quen, tập quán lâu năm của người dân khó thay đổi. Trong Luật Thú y, chó không thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ, không có quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, gây khó khăn trong việc quản lý.
Đại diện ngành thú y Hà Nội cũng thừa nhận, kể từ khi có văn bản năm 2018 đến nay thành phố chưa có thêm hoạt động hay chiến dịch nào để vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Một trong những nguyên nhân là các cơ quan liên quan phải "dồn lực cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi".
"Tháng 10 tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với tổ chức Soi Dog khảo sát tất cả cửa hàng kinh doanh, giết mổ chó trên địa bàn; tiếp tục thực hiện chiến dịch vận động người dân không ăn thịt chó", ông Sơn cho biết.